Văn hóa nghệ thuật

TRI ÂN TÌNH MẸ

Cập nhật lúc 18:12 12/05/2013

 Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm, tại nhiều nước phương Tây mừng Ngày Của Mẹ. Đây là ngày đặc biệt tôn vinh những người Mẹ, là dịp gia đình quây quần sum tụ, là dịp con cái bày tỏ niềm tri ân với hiền mẫu của mình. Tại Việt Nam, ngày của Mẹ (hay còn gọi là Ngày Hiền mẫu) thường được gắn với ngày 8/3, 20/10 hoặc lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) để tôn vinh những người mẹ hiền. Gần đây, với sự hòa nhập nền văn hóa chung của thế giới, nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ đã mừng ngày Chúa nhật thứ hai của tháng 5 là Ngày của Mẹ.

Mỗi khi suy tư về tình Mẹ, tôi nhớ lại một câu chuyện bi thương nhưng vô cùng cảm động: Có một loài chim mà khi lớn lên, muốn bay được thì phải ăn thịt chim mẹ. Và tất nhiên, chim mẹ luôn mong một ngày nào đó chim con có thể tự mình cất cánh bay cao. Vì thế, chim mẹ đã không do dự tình nguyện để chim con ăn thịt mình. Tôi không biết thực sự có loài chim ấy không, nhưng tôi chỉ biết với tôi mẹ là tất cả niềm tin, tình yêu và nguồn sống cho tôi tựa nương.
Kinh Thánh ghi lại hình ảnh của một người vợ, một người mẹ đảm đang như sau: Một người vợ hiền đức, còn quý hơn châu ngọc. Nàng được chồng tín nhiệm và thu hoa lợi không thiếu thốn. Nàng chẳng làm thương tổn, nhưng suốt đời đem hạnh phúc cho chồng. Nàng ăn nói khôn ngoan, lấy nhân từ làm kim chỉ nam. Nàng chăm sóc mọi việc trong nhà, không bao giờ biếng nhác. Con cái chúc nàng hạnh phúc, chồng nàng tấm tắt khen: Có nhiều phụ nữ tài đức, nhưng mình vượt xa mọi người! Duyên dáng thường giả trá, sắc đẹp cũng tàn phai, nhưng ai kính sợ Chúa, sẽ được ca ngợi hoài (Châm Ngôn 31:10-12; 26-30).
Tình Mẹ thật sâu nặng. Tình mẹ là một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con dành cho đấng sinh thành của mình. Ca dao nói lên điều này thật thấm thía: "Lên non mới biết non cao, có con mới biết công lao mẹ già".
Ngọt ngào nghĩa Mẹ, tình Cha, Yêu thương dưỡng dục đưa ta vào đời”. Sinh ra làm người, không ai là không có Mẹ. Cuộc đời chúng ta, từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc luôn cậy nhờ Mẹ. Nếu người Cha dạy cho con chí hướng, sự nghiệp và nghị lực thì người Mẹ bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con. Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời. Dù đi đến nơi đâu có lẽ cũng chẳng cảm nghiệm được tình nào cao hơn tình Mẹ cha. Những người được sống trong tình thương của mẹ thì phải cảm nghiệm được một điều thế gian chẳng dễ kiếm tìm, đó là cảm nghiệm mình được yêu thương. Những người từng ngày lớn lên trong tình thương của mẹ cũng sẽ phải kinh nghiệm một điều mà dòng đời khó lòng trao tặng, đó là kinh nghiệm được tha thứ đỡ nâng. Ta chợt rùng mình sợ hãi thật sự nếu trên đời này, ta hay bất kỳ ai lỡ thiếu vắng đi một tình yêu thương của mẹ hiền!
Tình Mẹ cao hơn mây trời, sâu hơn sông biển, rộng hơn hoàn cầu, lớn hơn vũ trụ, ngọt ngào hơn mật ong, êm đềm hơn giòng suối… Tình mẹ tràn đầy, sáng trong như mặt nước hồ thu buổi sớm, một tình cảm chân chất, mộc mạc, gần gũi, tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người chưa sáng tạo ra mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa.
Mẹ  luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, chở che! Khi ta chào đời cất tiếng khóc đầu tiên là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi đầu tiên chập chững của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? Khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xít xoa? Cảm nhận được nỗi đau lúc này liệu còn ai ngoài mẹ? Mẹ mừng vui nhất khi ta cất tiếng nói bi bô, khi bước chân vào trường, đằng sau con là cặp mắt dõi theo đầy lo lắng của mẹ hiền! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui của mẹ khi con cái mình trưởng thành và thành đạt, về cả công danh lẫn phẩm hạnh.
Lòng Mẹ bao dung nhưng rộng mở. Đã có nhiều lần phạm lỗi, sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, ta vẫn nhận được sự vỗ về bằng những lời khuyên mộc mạc, chân tình nhưng lắng sâu nỗi thương yêu. Mỗi lần như vậy, ta như lớn thêm lên, cứng cáp hơn lên và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ phạm lỗi. Mẹ vẫn âm thầm bên ta trên mọi nẻo đường cuộc đời, để yêu thương, để sẻ chia, để đỡ nâng và động hành với ta. Dù thế thái nhân tình có đổi thay thì Mẹ vẫn luôn là người trung thành, nâng đỡ, chở che con tháng ngày. Cuộc đời mẹ là cả một đời mãi hy sinh cho con, tình yêu của mẹ dành cho con mênh mông như trời biển: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như để tình mẹ luôn tồn tại bất biến với thời gian và không gian.
Ngẫm về tình Mẹ, tôi chợt ngân nga thầm thầm lời bài hát Mẹ Yêu thật sâu lắng mà thiết tha, như gói ghém bao tình nghĩa:
Mẹ là những tiếng hát ấm áp ru con khi đông lạnh về
Mẹ là những ánh nắng lấp lánh đưa con đi trên đường quê,
Ðể con khôn lớn lên dang rộng đôi vai,
rồi đưa chân bước đi theo từng đêm vui
Mẹ vẫn tha thứ dù cho con mang bao nhiêu lầm lỗi
 
Mẹ đã có phút dấu nước mắt cho con thơ ngây nụ cười
Mẹ đã có những lúc thức trắng cho con bao đêm ngủ say
Ngày con nâng bó hoa xinh chào tương lai,
Mẹ cô đơn đứng bên hiên đầy mưa bay
Trên mỗi bước đi, xin mãi khắc ghi tình mẹ bao la biển trời”
Bài hát “Bàn tay Mẹ” của nữ tu Trầm Hương, phổ nhạc cho bài thơ của một vị Linh mục dòng Tên, cũng đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc và suy tư trong Ngày của Mẹ hôm nay:
Bàn tay nào đáng hôn
hơn bàn tay của MẸ
giọng nói nào dễ nghe
hơn tiếng MẸ ầu ơ.
Ðố em biết tự bao giờ,
trái tim MẸ rộng hơn bờ đại dương.
Dù cho bão tố bốn phương,
cũng không lay nổi tình thương MẸ hiền.
Mẹ cho em ngủ bình yên,
cho em sức mạnh dong thuyền ra khơi,
cho em giữ mãi nụ cười,
dù trong giông tố hay trời tối đêm.
Mẹ là ánh sáng dịu êm,
đưa thuyền em tới tận miền bình an.
Ngày Hiền Mẫu nhắc chúng ta những vấn đề tri ân, hiếu thảo và tình thương, chẳng những cho các bậc hiền mẫu nhưng cũng cho mọi người trong gia đình. Sách Huấn Ca nhấn mạnh: "Ai yêu mến cha mình thì đền bù được tội lỗi. Ai thảo kính mẹ mình thì tìm được kho báu…” (Hc 3,3-7). Đó là một sự trân trọng tình Cha nghĩa Mẹ, một tình cảm thiêng liêng trong đời người.
Khắp một vòng thế giới, 24 giờ trong ngày chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 5 hôm nay đều là những giây phút người mẹ hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. 24 giờ so với 8.736 giờ trong năm quả là quá ít, nhưng dường như bấy nhiêu cũng đủ “năng lượng” để các bà mẹ tiếp tục thực hiện thiên chức cao cả của mình.
Kinh Thánh đã so sánh tình thương của Thiên Chúa với tình thương của người mẹ hiền như sau: Dễ thường có người đàn bà nào lại quên đứa con mình cho bú, không thương đến con trai ruột của mình sao? Dù cho có người đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi (Is 49:15)

Thật ý nghĩa khi Ngày Của Mẹ được cử hành trong tháng Năm – tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Chúng ta hãy dâng những người Mẹ thân thương quý mến của chúng ta cho Đức Mẹ. Khi xưa Đức Mẹ là hiền mẫu trong gia đình Nazareth thì ngày nay xin Người cũng trở nên mẫu gương cho những người Mẹ của chúng ta. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa, ban xuống trên các bậc hiền mẫu muôn hồng ân.

THIÊN ÂN
Thông tin khác:
TÌM HIỂU THÁNG DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ (02/05/2013)
Nhân ngày quốc tế lao động (1/5) nói về Thánh Giuse Công nhân: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CON BÁC THỢ MỘC (26/04/2013)
HABEMUS PAPAM! (20/03/2013)
Thánh Giuse – người đàn ông cao thượng (18/03/2013)
MỘT SỐ ĐIỀU VỀ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐỆ NHẤT (14/03/2013)
TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐỆ NHẤT (14/03/2013)
Nguồn gốc ra đời Mật tuyển viện bầu Giáo hoàng (11/03/2013)
Nhân ngày 8/3 nói về phụ nữ: Quyền lực đàn ông bắt nguồn từ phụ nữ (04/03/2013)
NÓI XẤU (05/02/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log