Văn hóa nghệ thuật

NÓI XẤU

Cập nhật lúc 16:05 05/02/2013
Nói xấu luôn là đề tài muôn thuở trong các cuộc trò chuyện “cà kê dê ngỗng”,”tụm năm tụm bảy”,” tán gẫu, tán dóc”,”ngồi lê đôi mách”; cả trong các buổi”trà dư tửu hậu’; giống như “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Xã hội xưa gọi là “nhiều chuyện”, nay gọi “Tám”; có cả một trang mạng Eva Tám tại Eva.vn.
          Có lẽ, vừa ra đời, những đứa trẻ như tôi, như bạn, hay bất cứ người nào đều được nghe, và tiếp thu sớm nhất, nhiều chuyện “tám” ấy!
          Tôi còn nhớ chuyện và bị ám ảnh mãi tới khi đã lớn, đó là chuyện kể về người bị sét đánh chết. Lúc đó, tôi không hiểu sao người ta không gọi sét đánh, mà gọi “trời đánh”? Nhà đó có một đứa con rất độc ác, hung dữ, trộm cắp, phá làng phá xóm, nên chỉ mới trận mưa đầu “trời” đã đánh chết thằng con đó; chết tức tưởi, quần áo cháy rụi, thân thể cháy đen như than, và còn thêu dệt nhiều chuyện rùng rợn, như chết chôn, xây mả rồi, trời còn theo đánh một lần nữa, một lằn lửa xanh từ trong mả xẹt lên, rồi còn hiện về phá người qua lại ban đêm, sáu giờ chiều là không ai dám qua đường đó, tôi cũng sợ theo. Trời có mắt, trời trả báo!
          Nghe chuyện đó rồi lại nghe chuyện khác “chó sói và con cừu”. Một hôm, có một con sói ra bờ suối uống nước, nó cũng nhìn thấy con cừu cũng uống nước mãi còn xa, nó liền phóng tới gây sự với cừu:
- Sao mày dám làm đục nước tao?
Cừu run rẩy sợ hãi, nhưng cũng thẳng thắn trả lời:
- Em uống nước dưới dòng suối mà!
Sói vẫn hống hách áp đảo:
- Vậy thì cha mẹ mày!
Cha mẹ em chết lâu rồi!
Sói bất chấp đúng, sai, nhảy bổ vào chụp cổ xé xác cừu!
          Trên đời, không thiếu những bầy sói rảo quanh tìm mồi cắn xé, như lời Thánh Phêrô cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
          Có thể so sánh, xưa nay, chuyện nói xấu (tám) như món ẩm thực “khoái khẩu” của chị em phụ nữ. Tuy nhiên trong số đông chị em, vẫn ưu tiên hai giới “đối tác” chủ lực “mẹ chồng nàng dâu”, “nàng dâu mẹ chồng”. Điển hình trên các trang mạng phụ nữ nhận định: “Dường như nói xấu mẹ chồng đã trở thành đề tài vô cùng phong phú đối với các cuộc gặp gỡ của các nàng dâu. Ở chợ, tại văn phòng công sở hay cả trên Facebook, đề tài này vẫn là tâm điểm của mỗi cuộc “buôn dưa lê”.
          Đó là những câu chuyện, những tình huống “độc đáo” mà các cô con dâu luôn cho rằng mình đúng và mẹ chồng ắt hẳn là khó tính, lạc hậu và vô lý. Một lần, tình cờ uống café bên đây, tôi nghe được chuyện bàn bên kia, chắc hẳn “hội” buôn chuyện nhà chồng của chị em cũng uống café bên kia bắt đầu tụ họp để “tám”. Thành viên của hội hẳn là các chị em đã lập gia đình, người làm văn phòng, người buôn bán, người là giáo viên…chừng khoảng 7-8 nàng dâu thời hiện đại. Gặp nhau gọi đồ uống, rồi câu trước câu sau là các chị xoay quanh chủ đề chính: nỗi uất ức ở nhà chồng, lúc đầu là chuyện về ông chồng yêu quý, ngày càng hư hỏng, ngày đêm nhậu nhẹt với bạn bè, hay tự nhiên trở trời lại khó tính. Từ chuyện của chồng, các chị chuyển sang đề tài mẹ chồng. Như bắt đúng mạch, vô số những câu chuyện về mẹ chồng kể rành rọt kèm theo lời bàn luận sôi nổi cả một góc quán.
          Thử nghe một chuyện nói “nhỏ” giữa chị em mà lớn giữa hàng quán: một chị tên Ngân “kể lể” chuyện ấm ức của mình, mà theo chị là bị oan 100%. Chị lấy chồng được hơn 3 năm, đến năm vừa rồi, chữa chạy mãi cuối cùng chị cũng có em bé. Thời gian chị chưa có bầu, bà sốt ruột giục mãi rồi cứ nói bóng nói gió “chắc hồi trẻ thế nào, nên giờ mới không sinh được nữa”. Nhưng chỉ được đúng một tháng, chị lại bị bà suốt ngày cằn nhằn là làm mẹ mà vụng về, không biết nuôi con.
          Không biết thực hư câu chuyện của chị tên Ngân tới đâu, chị có “thêm bớt” hay không mà tất cả thành viên trong hội đều gật gù: “Đúng là mày bị ăn đòn oan vì bà mẹ chồng rồi, cứ chiến tranh lạnh tới khi nào chồng mày chịu xin lỗi mới thôi”.
          Từ nhiều chuyện mục vụ về hôn nhân gia đình, đại loại như trên là “chuyện nhỏ thường ngày ở huyện”, là linh mục, chúng tôi phải nghe đến “nhiễu sóng”, rất khó phán đoán đúng sai, nhiều lúc mẹ chồng cũng “méc” nàng dâu, nàng dâu cũng “méc” mẹ chồng, tôi cho mời hai bên “đối tác”, đối thoại công khai “trực tuyến”, làm trung gian hòa giải, đôi ba bên “hợp tác”, “hòa bình”, “hữu nghị”, “cùng có lợi”.
          Cũng giống chuyện ông chồng không xét mình xưng tội. Hỏi ông sao không xét mình xưng tội?
          Ông mạnh dạn trả lời:
- Chờ cho vợ kể hết tội con, tội nào có, con xưng! Tội nào không, cho qua!
          Trong các chuyện “tám”, có chuyện đáng nói: “nghe thầy bói” “nói bậy” về chuyện hôn nhân. Chúng ta nghe mẩu đối thoại tra vấn thầy:
- Mùa cưới năm nào cũng như năm nào, bao nhiêu cặp cưới trùng làm chúng tôi chạy xô đám cưới đến mệt lả, phát bệnh “viêm màng túi’. Số mệnh mỗi người mỗi khác nhau sao thầy cứ phán họ cưới chung một ngày thế?
- Sự tình là thế này: cứ mỗi tháng đều có một cơ số, các cặp đến nhà các thầy để xem ngày đẹp làm đám cưới. Tôi và những thầy đồng nghiệp bói toán của mình chỉ làm những việc rất đơn giản: mua một cuốn lịch vạn niên về, một năm gạch ra những ngày tốt, cố gắng càng nhiều ngày vào thứ bảy, chủ nhật hoặc những ngày trùng ngày đặc biệt như ngày 12/12/2012 chẳng hạn rồi bảo những cặp đôi đó cưới vào ngày đó. Cưới vào ngày đẹp hay ngày phạm thì chính tôi cũng lờ mờ, chỉ biết là có đôi về ở với nhau sẽ êm ấm, có đôi về sẽ cãi vã, đánh chửi nhau, có đôi không ở với nhau thì ly hôn. Đó là những vấn đề không thể biết trước được. Tại các cô các cậu không tin vào bản thân, không tin vào sự lựa chọn của mình nên mới phó thác mọi chuyện cho thầy bói.
          Theo các “chuyên gia” hội nói xấu, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Một chị em nghĩ phụ nữ mới mắc tật nói xấu chồng, nên thật sự sốc khi biết chồng mình nói xấu vợ một cách chuyên nghiệp. Đàn bà vốn lắm lời, lại ấm ức không được “cãi” chồng nên họ mới hay nói xấu để giải tỏa bực dọc. Điều đó được mặc định là tính “đàn bà”. Thế nên khi nghe đàn bà nói xấu thì mọi người đều cho đó là chuyện thường. Nhưng chồng nói xấu vợ chắc hẳn không ai cho rằng đó là bản tính đàn ông.
          Nếu đã nói xấu, không thể là bản tính người. Bản tính người theo Mạnh Tử là “tính bản thiện”. Sau tội Tổ Tông truyền, con người không còn bản thiện nữa, bởi thế Chúa Cứu Thế phải đánh đổi bằng cái chết của Người trên Thập Giá để cứu chuộc loài người. Con người chỉ thắng tính ác bằng ân sủng và ý chí mà thôi. Bởi vậy, nói xấu chẳng của riêng ai, mà của mọi người, mọi giới, vẫn nằm trong bảy mối tội đầu, đã chiếm hai mối là giận hờn, ghét ghen.
          Trong lời “cãi” của một bà vợ đã vô tình nêu lên một triết lý sống: “Khi nói xấu về em, anh có nghĩ chính anh đang tự bôi nhọ vào gia đình mình, bản thân mình không? Người ta cười chê em là vợ ghê gớm. Và sau đó họ chê cười anh là chồng hèn!”.
          Tôi nhớ danh ngôn của một triết gia nào không rõ: “Trước khi đi trả thù, bạn hãy đào sẵn hai lỗ huyệt, một chôn kẻ thù và một chôn chính bạn!”.
          Không ai lường tác hại nói xấu thế nào! Điển hình chuyện vu khống sau:
          Một linh mục lâm bệnh vì cảm thấy đau lòng bởi vu khống và chống đối. Thấy linh mục đang hấp hối, một bà cầm đầu những kẻ chống đối đến xin tha thứ: “Thưa cha, con xin lỗi về những điều vu khống và những lời chống đối cha. Bất cứ điều gì có thể đền tội bây giờ, xin cha chỉ bảo, con sẽ làm tất cả cách vui vẻ”
          Linh mục kéo chiếc gối dưới đầu, yếu ớt đưa cho bà và nói: “Hãy lên tháp chuông nhà thờ và tung tất cả bông gòn trong chiếc gối này ra”.
          Bà cám ơn lòng tốt của linh mục và đi làm điều ngài đề nghị. Bông gòn được tung ra và gió đẩy đi muôn hướng. Bà trở về và nói đã làm xong.
          Lúc này, linh mục nói: “Bây giờ con hãy đi và thu gom tất cả số bông đó dồn vào gối này như cũ”.
          Bà khóc: “Không thể được! Gió đã thổi chúng đi khắp nơi!”
          Tính nghiêm trọng và bình thường hóa chuyện nói xấu đối với nhiều người, nhiều giới trong xã hội gần như bản chất của con người, thì đối với đạo đức xã hội và đạo đức tôn giáo không thể thỏa hiệp.
          Trong cuộc cãi vã đôi vợ chồng trên, ta nghe ông chồng “pháo” lại” “Anh không đồng tình quan điểm cho rằng phụ nữ nói xấu chồng là chuyện nhỏ, c̣n đàn ông nói xấu vợ là hèn mọn, nhỏ nhoi. Chúng ta đều không nên nói xấu nhau, vì điều đó không hay ho gì!
          Nói xấu, chính là những biểu hiện tâm lý lệch lạc, không bình thường. Hoặc là tự tôn, tự đại, cao ngạo, không ai bằng mình. Hoặc mặc cảm tự ti mình thua kém người khác, nói xấu để lấp đi khiếm khuyết đó, không ai biết mình. Tất cả chỉ gây tổn hại tinh thần lẫn nhân cách của mình. Tựa như chuyện châm biếm “Chú cáo và vườn nho”:
          Một tối nọ, cáo di tìm mồi và đến vườn nho của một người giầu có với những chùm nho chín mọng nặng trĩu.
          Cáo tự nhủ: “ta sẽ hái một ít cho bữa ăn nhẹ đêm nay”, rồi cáo nhún chân nhảy cao để hái, nhưng không thành công. Cáo lại cố gắng, nhưng mỗi lần nhảy trở nên yếu ớt và chậm chạp hơn. Cáo nổi nóng và nước dãi chảy lòng thòng..
          Cuối cùng, cáo nằm thở mệt giữa những gốc nho. Nó nguyền rủa những chùm nho chín ngọt: “các ngươi là những trái nho xấu. Ta chẳng thèm ăn dù các ngươi có rơi ngay vào miệng ta. Ai mà thèm những trái nho chua”.
          Nhưng chỉ mình cáo thấy chua. Cáo nói gì đi nữa, chùm nho vẫn đẹp và ngon.
          Nói xấu là xét đoán, mà xét đoán dễ sai; con người nói thật với nhau còn nhiều hạn chế, phương chi xét đoán sai; đã “sai một ly đi một dặm”. Như lời dạy của linh mục với bà đứng đầu nhóm nói xấu ngài. Bông gòn từ chiếc gối đã vung vãi, gió đưa đi khắp bốn phương trời, sao có thể gom lại được! “nước đã đổ xuống đất làm sao hốt lại”.
          Ước gì mọi người được thấm nhuần, thấu hiểu và sống lời Chúa dạy trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Ephêsô:
          “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuôc. Đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep.4, 29-32).
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Người Công giáo Việt Nam đầu tiên? (13/01/2013)
MỘT CÁCH NHÌN MỚI VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO VIỆT NAM (13/01/2013)
Ngày vì hòa bình thế giới (01/01) nói về hòa bình (01/01/2013)
GIÁNG SINH - NIỀM VUI LỚN CHO NHÂN LOẠI (24/12/2012)
HÃM MÌNH (22/12/2012)
CHÚA GIÁNG SINH GIỮA NHÂN LOẠI HÔM NAY (21/12/2012)
Chúa sẽ chẳng được chào đời (17/12/2012)
Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH : CHÚA NHẬP CUỘC LIÊN ĐỚI VỚI CON NGƯỜI (17/12/2012)
HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA (15/12/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log