Suy tư - Chia sẻ

Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ

Cập nhật lúc 15:31 20/03/2024
Chúa nhật Lễ Lá năm B; Bài đọc 1: Is 50:4-7; Bài đọc 2: Pl 2,6-11; Tin Mừng: Mc 14, 1- 15, 47
Lạy Chúa, con đây. Con đang cùng với Đức Mẹ, đứng dưới chân Thánh giá treo Chúa bị đóng đinh.
Lạy Chúa, con đây. Con đang cùng với Đức Mẹ, đứng dưới chân Thánh giá treo Chúa bị đóng đinh.
Phụng vụ bước vào Tuần Thánh với khởi đầu là Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau cuộc khải hoàn, chào đón Đức Giêsu vào Giêrusalem và thảm kịch Thương khó và cái chết trên Thập giá.
 Bài đọc 1, trích sách tiên tri Isaia là hình ảnh người Tôi Trung đau khổ: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.”
Người Tôi Trung sẵn sàng chấp nhận những thù nghịch, chống đối mà không nao núng hay sợ hãi vì xác tín rằng: Thiên Chúa luôn ở bên để bênh đỡ, chở che. Vì thế, dù bị đánh đòn, nhục mạ, khinh bỉ, nhưng người Tôi Trung không chống lại, không tự vệ và không cảm thấy hổ thẹn. Trong mọi khó khăn, người Tôi Trung vẫn vững vàng, trung thành vì tin chắc rằng mình luôn có Thiên Chúa phù trợ, Thiên Chúa đã luôn luôn ở ngay cạnh chúng ta. Ngài luôn bổ trợ cho chúng ta kịp lúc kịp thời. Nếu chúng ta tin tưởng vào điều này, chúng ta sẽ không còn phải sợ những thế lực đen tối đang muốn ám hại chúng ta, chúng ta chỉ cần thực thi luật yêu thương của Thiên Chúa, mọi việc còn lại chính thiên Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta.
Đó cũng là hình ảnh của Đức Kitô trong thư thứ 2 thánh Phaolô gửi Philipphe “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,6-11) Qua sự tự hạ đến tận cùng của người Tôi Trung Giêsu, Thiên Chúa chạm đến mọi nỗi khốn cùng, tội lỗi và sự chết của con người, để nâng con người lên, ban cho phẩm giá làm con Thiên Chúa và sự sống bất diệt.
Bài Thương khó kể lại từng chặng đường đau thương của Đấng Cứu Thế. Nhấn mạnh sự thay đổi của lòng dạ con người: Dân chúng vừa mới tung hô Chúa vào Thành Thánh Giêrusalem lại hét vang lên “Đóng đinh nó vào Thập giá”, Giuđa chỉ điểm bắt Thầy bằng một nụ hôn giả dối. Các môn đệ sợ hãi bỏ Thầy mà chạy trốn, Phêrô thề là không hề quen biết Thầy... Chúa Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ. Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài. Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn. 
Họ khạc nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào da thịt. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra… Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo báng. Bị khinh khi… Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ phá được Đền thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi Thập giá xem nào!. Các thượng tế kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ixraen! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi Thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền!. Cả những tên cướp cùng chịu đóng đinh cũng sỉ vả Ngài như thế. 
Qua Cuộc Thương khó, nhìn lên Thập giá, chúng ta nhận ra rõ ràng tình thương tha thứ bao la của Thiên Chúa và sự gian dối, bạo tàn, ác độc của con người. Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thông phần Thập giá của Chúa, chúng ta được mời gọi chịu thương, chịu khó; biết thanh luyện bản thân; đón nhận mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời trong tin yêu, tín thác. Sẵn sàng vâng phục, để ý Cha nên trọn. Chúa Giêsu chịu đau khổ để con người được sống. Đau khổ giúp con người nên hoàn thiện và giúp con người thông cảm với những người khổ đau trong xã hội
Theo Chúa Giêsu trên con đường Thập giá là một thách đố lớn trong bối cảnh thời nay. Xác tín rằng, có Chúa cùng đồng hành, Ngài luôn thấu hiểu nâng đỡ, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên hành trình theo Ngài. Nếu can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang Phục sinh với Ngài.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một bày tỏ về tội lỗi của loài người chúng ta.  Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là mặt trái của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và tha thứ cho đến cùng của Thiên Chúa.
Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá, ta hãy để tâm hồn mình hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy cảm nhận cái nhìn tràn đầy yêu thương và trìu mến của Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Nhờ đó, ta biết tận dụng mọi khổ đau để thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện như Cha trên trời là đấng hoàn thiện.
LM phểrô Nguyễn Khánh Đạt
Thông tin khác:
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Đôi nét về Kinh cầu Thánh Giuse (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (07/03/2024)
Trở nên gánh nặng (07/03/2024)
Chết đi để nảy sinh sự sống mới (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (04/03/2024)
Ánh sáng thế gian (04/03/2024)
Bước theo thánh Giuse (04/03/2024)
Thanh tẩy đền thờ tâm hồn (27/02/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log