Suy tư - Chia sẻ

Chết đi để nảy sinh sự sống mới

Cập nhật lúc 10:50 07/03/2024
Chúa nhật V Mùa Chay năm B; Bài đọc 1: Gr 31, 31-34; Bài đọc 2: Dt 5, 7-9; Tin Mừng: Ga 12, 20-33
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

Mùa Chay là thời điểm thích hợp giúp chúng ta khám phá tình yêu nhưng không và viên mãn của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Cho nên, Mùa Chay là mùa sám hối, trở về và thành quả của sám hối là được “nâng lên”. Khởi đầu hành trình chúng ta được “nâng lên” bằng việc xức tro. Chút tro tàn được xức trên đầu giúp chúng ta nhìn nhận thân phận cát bụi, hư vô nhưng được Thiên Chúa cho hiện hữu và hiện diện trước mặt người. Đó là ân huệ lớn lao mà lí trí không thể hiểu được. Vì thế, phụng vụ lời Chúa qua ba bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn lại chính mình hầu khám phá tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô được trao tặng cho chúng ta.
I. ĐỨC KITÔ ĐÃ CHẾT ĐỂ NHÂN LOẠI ĐƯỢC SỐNG
Chúng ta bắt gặp một số chi tiết mang tính thần học nơi Tin Mừng thứ tư. Trang Tin Mừng hôm nay tác giả đề cập tới “Giờ” của Đức Giêsu. Ở những chương trước tác giả nói “giờ của Người chưa tới” (xc. 7,30; 8, 20), chương 12 tác giả nói “giờ” của Đức Giêsu đã đến. “giờ” đây là giờ nào? Phải chăng đã đến lúc công việc rao giảng Tin Mừng đạt đến đỉnh điểm? Hay đã đến giờ Thiên Chúa thực hiện các phép lạ?
“Giờ” mà Tin Mừng thứ tư muốn để cập tới chính là cuộc thương khó của Chúa Kitô, chính là “giờ” tôn vinh Thiên Chúa, chính là lúc Thiên Chúa biểu lộ tình yêu vô bờ bến của Người đối với nhân loại; và đó cũng là giây phút Thiên Chúa trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người. Chính vinh quang trên Thập giá cũng là nơi dân ngoại được gặp gỡ Thiên Chúa mà không cần phải cắt bì (theo luật Dothái), con người gần Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Vinh quang của Người là hoa trái của sự chết, như hạt lúa chết đi mới sinh ra nhiều hạt khác (c.24). Chỉ khi Đức Kitô chết đi con người mới có được sự sung mãn trong Thiên Chúa. Đã đến giờ của Con Người được tôn vinh. “Giờ” tôn vinh Thiên Chúa không phải là Đức Giêsu ngự trên ngai dành cho vị lãnh tụ cao nhất của một đất nước nhằm cai trị con dân bằng sức mạnh con người. Nhưng “giờ” của Người đã đến bằng cái chết trên Thập giá. Nơi đó Cha Con và Thánh Thần được tôn vinh.
Người Dothái coi cái chết của Đức Giêsu là một thất bại, nhưng trong Thiên Chúa, cái chết của Con Thiên Chúa là một sự toàn thắng, và tình yêu viên mãn nơi Thiên Chúa được thực hiện cách tròn đầy. “Giờ” của Đức Giêsu trên Thập giá không chỉ là khoảnh khắc khép lại một sự sống nhưng là khởi nguồn cho một sự sống mới, sự sống viên mãn trong Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã đưa ra kinh nghiệm trong thực tế về sự sống phát đi từ sự chết: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (c.24). Chính Chúa Giêsu đã sống và làm gương khi chấp nhận gieo vào lòng nhân loại, chịu chết đi sự sống của Người để khai sinh sự sống mới. 
Như thế, trong đời sống đức tin, Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy “thối đi”, chết đi sự sống của mình để sự sống nằm trong sâu thẳm của chúng ta được vươn mình bằng sự sống mới, để chúng ta và những người chúng ta gặp gỡ được đón nhận sự sống của Thiên Chúa. 
II. VÀ ĐỂ NHÂN LOẠI BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG TRONG THIÊN CHÚA
Theo cứu độ học, sự hiến mình làm giá chuộc của Chúa Giêsu trên Thập giá không chỉ hoàn tất lời hứa từ khởi thủy, nhưng mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Chính Con Thiên Chúa đến thế gian, sống giữa thế gian như một con người ở trong thế gian, nên Người có những cảm quan như chúng ta. Thư Dothái khẳng định về số phận của Con Thiên Chúa với con người: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 7,9a). Vì thế, Người đến thế gian không chỉ để trải nghiệm nhưng đi vào đời sống của kiếp làm người. Người đã nếm trải tất cả những gì mà con người đã kinh qua, chỉ trừ tội lỗi. Thật thế, Người chung kiếp người như chúng ta để đồng cảm, thông chia nỗi buồn vui, thống khổ của chúng ta trong kiếp nhân sinh. Nhưng Con Thiên Chúa không dừng lại ở đó, Người muốn con người được sống và sống dồi dào trong ân nghĩa với Thiên Chúa; nên “khi bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 7,9b). Như vậy, không chỉ thông chia kiếp người khi trải qua kinh nghiệm làm người mà Người còn trở nên nguồn sống cho những ai yêu mến người. 
Chính lẽ đó, cái chết của Con Thiên Chúa hướng đến một đối tượng khác và mong cho họ được căng tràn sức sống trong chính Thiên Chúa. Người nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Chính Người đã chẳng tiếc sự sống của mình nhưng chấp nhận chết để hướng về người khác; để sau cái chết Người được Chúa Cha ban cho sự sống vĩnh cứu.
Ước gì Lời Chúa hôm nay đánh thức trái tim đang ngủ quên của chúng ta để hướng về tha nhân, chấp chận bị chôn vùi trong lòng đất, bị thối đi, bị tan nát cuộc đời để sự sống trong thẳm sâu của chúng ta được nảy nở và hữu ích cho những người chung quanh.
LM Gioan Baotixita Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (04/03/2024)
Ánh sáng thế gian (04/03/2024)
Bước theo thánh Giuse (04/03/2024)
Thanh tẩy đền thờ tâm hồn (27/02/2024)
Vấn đề sẻ chia (27/02/2024)
Hãy vâng nghe lời Người (27/02/2024)
Bình an nội tâm (27/02/2024)
Sám hối và tin vào tình thương của Thiên Chúa (06/02/2024)
Xin cho được vững tin (06/02/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log