Suy tư - Chia sẻ

Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống

Cập nhật lúc 09:48 04/03/2024
​Mùa Chay là mùa “nhập hạ”, mùa tịnh tâm của Giáo hội. Mùa Chay bắt đầu khoảng một tháng rưỡi sau Mùa Giáng sinh.
Mùa Chay mở lối cho mỗi người Công giáo ăn năn hối cải để trở nên tốt đẹp mỗi ngày.
Mùa Chay mở lối cho mỗi người Công giáo ăn năn hối cải để trở nên tốt đẹp mỗi ngày.

Mùa Chay diễn ra trong mùa xuân, thời gian ngày dài hơn đêm từ sau ngày đông chí. Thế kỷ thứ hai, các tín hữu đã ăn chay hai ngày để chuẩn bị mừng Lễ Phục sinh mỗi năm.
Thuở đó họ nóng lòng đợi chờ Chúa lại đến, nên hai ngày chay tịnh trước Lễ Phục sinh là thời điểm thích hợp để chuẩn bị cho thời gian thánh thiêng nhất: ngày Chúa lại đến. Thế kỷ thứ ba, thời gian chay tịnh trải dài cả Tuần Thánh. Tới thế kỷ thứ tư Lễ Phục sinh được chuẩn bị bằng cả một Mùa Chay đầy ý nghĩa.
Mùa Chay đặc biệt nhấn mạnh chủ đề phép Rửa. Khoảng từ thế kỷ thứ ba, phép Rửa gắn liền với đêm canh thức mừng Chúa Phục sinh (Vọng Phục sinh). Những thế kỷ đầu việc chuẩn bị cho phép Rửa trải dài nhiều năm. Thuở đó những người trưởng thành muốn gia nhập Giáo hội thì không thể gia nhập ngay. Họ cần tới ba năm thử thách. Trong thời gian này họ được hướng dẫn, nâng đỡ để từ bỏ nếp sống lương dân và tập sống nếp sống mới. Sau đó, họ được nhận vào làm ứng viên bí tích phép Rửa. Cuối cùng, vào một thời điểm đặc biệt, sau này gọi là Mùa Chay, họ được học hỏi sâu rộng hơn, được lãnh nghi thức trừ tà, tham dự một số các nghi thức khác, giữ chay tịnh thứ Sáu, thứ Bảy Thánh và được lãnh phép Rửa vào đêm Phục sinh. Khi cuộc bắt đạo tại Rôma chấm dứt vào năm 313, Giáo hội bắt đầu xác định rõ ràng hơn tiến trình cử hành công khai thời gian dự tòng (Katechein: giảng dạy), tiến trình đón nhận các dự tòng nhập đạo. Và giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để lãnh phép Rửa luôn bao gồm một giai đoạn chay tịnh để củng cố nếp sống mới.
Ban đầu, theo nghi thức, thời gian chuẩn bị Lễ Phục sinh là thời gian đặc biệt chỉ dành cho các dự tòng; về sau, trở thành phổ thông. Mọi tín hữu đều dự vào truyền thống chay tịnh. Đầu thời Trung cổ, những nghi thức dự tòng cũ biến mất để lại truyền thống bốn mươi ngày Mùa Chay, mùa chuẩn bị Lễ Phục sinh.
Thế kỷ thứ tư, việc chuẩn bị cho dự tòng lãnh phép Rửa được kết hợp với việc chay tịnh và những thực hành sám hối khác trước Lễ Phục sinh, để chuẩn bị cho những hối nhân phạm tội công khai hay phạm tội ác được lãnh ơn tha thứ. Những thực hành này cũng mở rộng dần tới các tín hữu khác và vào thời Trung cổ đã lan cả Giáo hội. Thời này nghi thức sám hối nhấn mạnh tới tội riêng tư. Do đó trong phụng vụ, Mùa Chay là “mùa tím,” tím màu sám hối, nên Lời ngợi khen Alleluia và kinh Vinh Danh bị hủy bỏ. Phụng vụ cũng cấm cử hành những cuộc cưới xin trong Mùa Chay. Ở vài nơi còn có cả nghi thức “chôn táng” bài ngợi ca Alleluia.
Thuở đầu Mùa Chay kéo dài suốt 40 ngày dành cho các dự tòng. Sau, mọi Kitô hữu khác cũng ăn chay 40 ngày để bắt chước Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong sa mạc (Mt 4,2). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp 40 ngày của Môsê trên núi Sinai (Xh 34,28), 40 ngày của Êlia trên núi Horeb (1 V 19,8) và 40 năm dân Chúa lang thang trong sa mạc. Từ ngữ chính thức của Giáo hội chỉ Mùa Chay là Quadragesima (Mùa 40).
Từ đầu, 40 ngày ăn chay được tính ngược từ chiều thứ Năm Thánh (ngày đầu trong Tam Nhật Vượt Qua) - nghĩa là ngày đầu tiên trúng vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay. Tuy nhiên, tín hữu không bao giờ ăn chay trong những Chúa nhật Mùa Chay, vì Chúa nhật được kể là ngày tưởng nhớ Chúa Phục sinh (còn được gọi là Lễ Phục sinh nhỏ). Do đó khoảng thế kỷ thứ bảy, Mùa Chay sáu tuần lễ tính sớm hơn: từ thứ tư Lễ Tro, và gồm cả thứ Năm và thứ Sáu Thánh, để tròn 40 ngày ăn chay. Giáo hội Đông phương không kể ngày thứ Sáu và thứ Bảy Thánh là ngày chay, nên Mùa Chay bắt đầu sớm hơn một tuần.
Phụng vụ Chúa nhật Mùa Chay luôn duy trì tiến trình của thời gian dự tòng, nhấn mạnh cuộc hành trình vào bí tích phép Rửa. Năm 1972, Giáo hội công bố “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành,” làm sống lại thời gian dự tòng thuở trước.
Theo đó, cả hai thành phần, dự tòng và tín hữu, được hướng tới hành trình của phép Rửa gồm: nghi thức tuyển chọn, cử hành Tin Mừng, tuyên xưng đức tin, kinh Lạy Cha, công bố từ bỏ ma quỷ (thay thế việc trừ quỷ ngày xưa). Việc di chuyển tân tòng (sau bài giải thích Lời Chúa) tới một nơi khác trong nhà thờ để được hướng dẫn đặc biệt về bài đọc Thánh Kinh của ngày hôm ấy.
Ngay trước Mùa Chay, tuy không có trong niên lịch Giáo hội, nhưng theo thói quen, dân chúng có ngày “thứ ba béo,” ngày vui vẻ hội hè. Đó là “cuộc vui” cuối cùng trước khi bước vào mùa ăn chay kiêng thịt nhiệm nhặt từ hôm sau, thứ Tư Lễ Tro. Thói tục này tuy không được Giáo hội khuyến khích nhưng vẫn lưu truyền trong dân chúng với mục đích thực tế. Hồi đó, những thức ăn mà luật chay tịnh nghiêm ngặt của Giáo hội cấm là những thức ăn cần ướp lạnh. Vì kỹ thuật ướp lạnh đã không hề được phát minh mãi cho tới thế kỷ XIX nên thật ý nghĩa việc dân chúng mang ra ăn hết những thức ăn nào sẽ bị hư, nếu để qua sáu tuần lễ ăn chay. Đồng thời họ chia sẻ những thức ăn này với gia đình khác. Vì thế những bữa ăn chung vào thứ Ba trước Lễ Tro mang không khí vui vẻ của ngày lễ hội. Thế kỷ XIV, ngày “thứ Ba Béo” đã được tổ chức khá phổ biến. Lễ hội này cũng phản ảnh những cuộc chè chén, hóa trang và những thói tục lương dân mừng mùa xuân hay ngày xuân phân. Phải chăng vì Giáo hội cấm những cuộc truy hoan trong suốt Mùa Chay nên dân chúng dễ bù trừ bằng một lễ hội “vọng chay”?
TH
Thông tin khác:
Ánh sáng thế gian (04/03/2024)
Bước theo thánh Giuse (04/03/2024)
Thanh tẩy đền thờ tâm hồn (27/02/2024)
Vấn đề sẻ chia (27/02/2024)
Hãy vâng nghe lời Người (27/02/2024)
Bình an nội tâm (27/02/2024)
Sám hối và tin vào tình thương của Thiên Chúa (06/02/2024)
Xin cho được vững tin (06/02/2024)
Loan báo con đường hy vọng (31/01/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log