Suy tư - Chia sẻ

Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống

Cập nhật lúc 11:01 07/03/2024
Mùa Chay là sự chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Phục sinh. Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục sinh: các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo; còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm Bí tích Thanh Tẩy và việc Sám hối.
Mỗi người chúng ta đều được Chúa gợi ý về cách sống chay trong thời buổi hiện tại.
Mỗi người chúng ta đều được Chúa gợi ý về cách sống chay trong thời buổi hiện tại.
Kiêng thịt
Ăn chay và kiêng thịt luôn nối kết nhau. Nhưng có những quy định riêng. Ăn chay là ăn ít hay không ăn gì. Kiêng thịt là hạn chế một số loại lương thực – thí dụ thịt. Ăn chay là hình thức đạo đức phổ thông ngay từ Giáo hội sơ khai. Việc từ chối một nhu cầu nhân bản trong một giai đoạn, mang nhiều ý nghĩa khác nhau: ăn chay để chuẩn bị cho một ngày đại lễ, để tự kiềm chế bản thân, để nâng đỡ lời cầu nguyện. Ăn chay cũng giúp thanh tẩy bản thân khỏi những lạm dụng và tội lỗi. Những ý nghĩa này thành động lực đưa tới truyền thống chay tịnh trong Mùa Chay. Một động lực khác cũng góp phần trong truyền thống chay tịnh là: làm phước. Làm phước là trao tặng cho người thiếu thốn những gì ta dành dụm được nhờ ăn chay và kiêng thịt, hoặc cho đi phần thặng dư.
Ăn chay và kiêng thịt thuở đầu là những thực hành tự nguyện. Sau dần thành nghiêm ngặt và thành quy định của Giáo hội. Từ những năm 400 tới 800, giáo dân chỉ ăn một bữa mỗi ngày thường vào buổi chiều tùy tập tục địa phương. Phải cữ những thức ăn như thịt, cá tươi, rượu. Nhiều nơi giáo dân phải cữ cả trứng và những sản phẩm từ sữa. Từ đầu thế kỷ X, giáo dân có thói quen khi ăn chay chỉ ăn bữa trưa. Thế kỷ XIV, giáo dân được ăn thêm một bữa nhẹ vào buổi chiều. Thời Trung cổ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa bị hủy bỏ.
Quy chế ăn chay kiêng thịt còn hiệu lực mãi tới 1966. Giáo dân từ 21 đến 59 tuổi chỉ được ăn một bữa chính suốt cả Mùa Chay, trừ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên cũng được phép dùng hai bữa phụ khác không có thịt, để có đủ sức khỏe; nhưng hai bữa này cộng lại phải kém hơn một bữa ăn no đủ. Việc ăn chay đi kèm với kiêng thịt, nước cốt thịt, thịt xay vào thứ Tư Lễ Tro và tất cả các thứ Sáu (luật kiêng thịt áp dụng với giáo dân từ 7 tuổi trở lên). Vào những ngày thường trong Mùa Chay, chỉ được ăn thịt trong bữa chính.

Đàng Thánh giá

Mùa Chay, giáo dân thường đi đàng Thánh giá. Ngược dòng lịch sử, vào thời Thập Tự chinh (1095-1270) nhiều giáo dân có thói quen đi hành hương Đất thánh và đi bộ theo bước chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Trong hai thế kỷ tiếp theo, sau khi người Hồi giáo tái chiếm Đất thánh, những cuộc hành hương tại đây rất nguy hiểm. Thời gian này, để thay thế việc hành hương, khắp châu Âu giáo dân thiết lập những chặng đàng Thánh giá ngoài trời, những chặng này nêu lên những biến cố thương đau dựa theo Thánh Kinh hay truyền thống về con đường Thập giá của Chúa Giêsu. Giữa thế kỷ XVIII, những chặng đàng thánh giá được phép thiết lập ngay bên trong nhà thờ và thành nét đặc trưng của các nhà thờ Công giáo. Vào những năm 1960, các nhà thờ thường thêm vào chặng thứ 15: Chúa Phục sinh.
Đầu thập niên 60, Giáo hội chú trọng tới mặt tích cực của quy luật Mùa Chay và những công trình bác ái, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức chuẩn nhận chiều hướng này qua Tông huấn Paenitemini. Theo đó, tín hữu chỉ buộc kiêng thịt vào thứ Tư Lễ Tro và các thứ Sáu trong Mùa Chay. Việc ăn chay chỉ buộc vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Các tín hữu cần lưu ý các hình thức chay tịnh tự nguyện. Những định hướng chung trong tinh thần Mùa Chay vẫn đề cao ý nghĩa bí tích phép Rửa, cuộc trở về của bản thân, sám hối và sống mầu nhiệm thương khó, tử nạn của Chúa Giêsu.
Những hình thức sám hối khác không được Giáo hội quy định nhưng đã phổ thông trong nhiều thế kỷ nay. Phần lớn là những hình thức riêng tư trong các gia đình nhưng đang được nhiều tín hữu thực hành: không ăn món tráng miệng, kẹo bánh, nước ngọt, rượu. Ngoài ra, còn việc để dành tiền tặng người nghèo, hạn chế xem phim ảnh, truyền hình cũng là thái độ chay tịnh tốt đẹp.
TH
Thông tin khác:
Trở nên gánh nặng (07/03/2024)
Chết đi để nảy sinh sự sống mới (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (04/03/2024)
Ánh sáng thế gian (04/03/2024)
Bước theo thánh Giuse (04/03/2024)
Thanh tẩy đền thờ tâm hồn (27/02/2024)
Vấn đề sẻ chia (27/02/2024)
Hãy vâng nghe lời Người (27/02/2024)
Bình an nội tâm (27/02/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log