Văn hóa nghệ thuật

Về thăm Cửa Bạng, xứ Thanh

Cập nhật lúc 11:09 11/09/2023
Là người Công giáo, ai cũng từng nghe câu ca: Thứ nhất đền thánh Pha pha/ Thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba đền Phù
Toàn cảnh Cửa Bạng, Ba Làng giáo phận Thanh Hóa, giáo tỉnh Hà Nội.

Đền thánh Pha pha tức đền thánh Phêrô ở Rôma, đền Phù xưa là cửa sông Càn có tiếng giáp ranh, giữa Nga Sơn, Thanh Hóa và Yên Lâm, Ninh Bình, nay đã bị bồi lấp nằm sâu trong đất liền cả chục km. Còn Cửa Bạng nằm ở xã Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa là mảnh đất mà Tin Mừng được đón sớm nhất ở Đàng Ngoài ngày 19/3/1627 do cha Alexandre de Rhodes quen gọi là cha Đắc Lộ đến rao giảng. Người ta đồn có một viên đá ở Cửa Bạng in dấu chân cha Đắc Lộ nhưng nay lưu lạc ở đâu chưa tìm thấy. Rồi cũng tương truyền, khi cha Đắc Lộ từ Ma Cao đến Việt Nam, cha muốn vào Đàng Trong vì ở đó Tin Mừng được rao giảng từ năm 1615 và có một số cha dòng Tên ở đó. Nhưng bất ngờ, cha đang đứng trên mũi thuyên lần hạt thì chuỗi tràng hạt rơi xuống biển. Cứ tưởng mất, ai ngờ, một con cua càng quặp cỗ tràng hạt nổi lên. Cha Đắc Lộ cúi xuống gỡ lấy cỗ tràng hạt và không quên giơ tay làm dấu Thánh giá ban phúc lành cho con cua. Từ đấy, các con cua, con ghẹ ở Cửa Bạng đều có hình Thánh giá trên mai. Vậy chẳng lạ sao?

Thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Ba Làng.
Thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Ba Làng.
Do đó, nhân 9 năm thành lập Tông đoàn Gioan Phaolô II (2014- 2023), Tông đoàn chọn Cửa Bạng- Ba Làng làm nơi hành hương và tổ chức đại hội. Hôm tôi vào Sầm Sơn, cha Tổng đại diện Thanh Hóa Micae Trịnh Ngọc Tứ nói: Ba Làng cơ sở vật chất chưa có gì đâu, bây giờ mới bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, khi đoàn xe của chúng tôi tới. Từ cha Chính, cha Phó, Ban hành giáo và nhiều hội đoàn đã có mặt ở cửa nhà thờ đón chúng tôi tạo ra ấn tượng rất gần gũi, thân tình.
Nhìn trên bản đồ thấy Ba Làng như một bán đảo, phía sau là sông Bạng, trước là biển Hòn Mê. Ba Làng như một chữ C khổng lồ dài 3.000m mà hai đầu là hai ngọn núi: Thủi ở phía Bắc và núi Do ở phía Nam. Bờ biển Ba Làng phẳng, cát mịn và được bao bởi kè xây khá cao chắc chắn. Không thấy hàng quán nào ven bờ biển. Nhà nào cũng san sát các thùng làm nước mắm. Khắp nơi chỉ thấy mùi nước mắm đặc trưng. 
Theo lịch sử, ngày cha Đắc Lộ lên Cửa Bạng rửa tội được cho 32 người, nay xứ Ba Làng có tới 4 giáo họ Sung Mãn, Như Xuân, Ngoại Hải, Sung Thượng với hơn 11.000 giáo dân. Từ Ba Làng đã tách ra 5 xứ mới là Phúc Lãng, Thái Yên, Nghi Sơn, Thượng Chiểu và Thanh Thủy. Giáo xứ Ba Làng được thành lập từ năm 1846, ít năm sau đó, năm 1893, nhà thờ được xây dựng. Ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ đã tồn tại 130 năm nhưng còn rất chắc chắn. Bàn thờ sơn son thiếp vàng vẫn óng ánh sắc vàng từ câu đối đến các hoa văn trên bàn thờ. Tháp chuông có 5 ngọn, ba ngọn cao ở giữa có Thánh giá, các ngọn khác cũng có hoa văn như các đình chùa rất đậm kiến trúc dân tộc Việt. 

 
Dâng hoa kính Đức Mẹ ở giáo xứ Ba Làng.
Dâng hoa kính Đức Mẹ ở giáo xứ Ba Làng.
Giáo xứ Ba Làng có tới 4 giáo họ Sung Mãn, Như Xuân, Ngoại Hải, Sung Thượng với hơn 11.000 giáo dân.

Theo sự sắp xếp của cha chính xứ Giuse Nguyễn Văn Bình, các thầy chủng sinh đưa các nhóm đi nhận phòng nghỉ. Không phải phòng nào cũng có điều hòa, nhưng nhiều quạt đủ mát nhất là không khí cạnh biển nên lúc đầu ở Hà Nội, một số người cao tuổi sợ nóng không ngủ được đều đăng ký đi nghỉ ở khách sạn. Nhưng khi nhận phòng, chẳng ai muốn đi khách sạn nữa vì vừa phải đi xa, lại thiếu không khí bạn bè gia đình. 
Cha Giuse Nguyễn Văn Bình giới thiệu với đoàn, giáo xứ Ba Làng vừa đón Đức TGM Marek Zalewski và Đức cha Giuse của giáo phận Thanh Hóa đến thăm. Thảo nào, vẫn còn bức chân dung lớn của Đức TGM ở quảng trường nhà thờ. Một loạt công việc đang được khẩn trương tiến hành là xây dựng lại ngôi thánh đường cho xứng tầm với lịch sử địa danh Ba Làng. Xem bản vẽ, ngôi nhà thờ mới có vòm cuốn như đền thờ thánh Phêrô ở Rôma trên diện tích khuôn viên 15.000m2. Điều trân trọng nhất là ngôi nhà thờ Ba Làng cổ kính vẫn được giữ lại làm nơi lưu giữ các di tích lịch sử truyền giáo ở đây. Rồi khu đất 17.000m2 cạnh bờ biển cũng vừa được chính quyền giao cho giáo phận sử dụng sẽ được xây dựng thành khu hành hương thánh Giuse để nhớ biến cố cha Đắc Lộ đặt chân lên mảnh đất này đúng ngày lễ kính thánh Giuse. Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, người Ba Làng muốn thiết kế khu hành hương như một con thuyền để nhớ về con thuyền cha Đắc Lộ đến đây gần 400 năm trước. Ngài cũng muốn xây một phòng nghỉ ở đây để khi về hưu tĩnh dưỡng ở quê hương. Vậy là chỉ còn hơn 3 năm là đến năm 2027 mà cả núi công việc phải làm. Nhưng “chúng tôi tin việc của Chúa, Chúa sẽ lo liệu” như lời ông Giuse Nguyễn Đình Đức - Chánh trương giáo xứ Ba Làng và cũng là chủ doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu nói. Khi họ giáo Sung Thượng của ông xây nhà thờ, tiền không có, thủ tục giấy phép xây dựng cũng chưa nốt. Vậy mà chỉ 1 năm, họ giáo đã quyên góp được 9 tỷ đồng, xây nhà thờ 7 tỷ vẫn còn dư 2 tỷ. 
Bầu khí xóm làng của xứ đạo toàn tòng rất thanh bình, đầm ấm. Một ông trong đoàn đi tìm quán bán thuốc lào mãi không được. Có người mách, vào bất cứ nhà nào cũng có thuốc lào, được mời hút và được biếu mang về nữa. Đúng thế, ông mang về gói thuốc lào to để ở bàn nước của giáo xứ để hút chung. Bữa cơm nào của đoàn, các cha xứ, Ban hành giáo cũng dự giao lưu chúc mừng. Các thành viên của đoàn đều khen thức ăn ngon và rẻ.
Đại hội Tông đoàn Gioan Phaolô II lần này được cha Giuse Đỗ Đình Tư- Phó Bề trên Giám tỉnh dòng Chúa cứu thế Việt Nam và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Tông đoàn và cha Vinhson Vũ Văn Bằng- linh hướng đồng hành nên Đại hội cũng nhanh chóng hoàn thành nội dung từ báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III đến phương hướng nhiệm kỳ IV. Nhân sự lãnh đạo khóa mới bầu thầy giáo Dương Văn Cẩn- một thầy dạy Lý có tiếng ở Hà Nội làm Phó chủ tịch Thường trực.
Háo hức nhất vẫn là buổi giao lưu văn nghệ giữa Tông đoàn Gioan Phaolô II, ca đoàn Trinh Vương (xứ Thái Hà) với ca đoàn Cecilia, hội giáo lý xứ Ba Làng. Người đến xem chật kín quảng trường và vỗ tay nhiệt liệt. Đến tiết mục “Trống cơm” của Tông đoàn Gioan Phaolô II thì sân khấu vỡ òa. Không còn ranh giới diễn viên, khán giả nữa. Tất cả ào lên sân khấu nhảy múa chật kín. Điệu múa phải lặp đi lặp lại nhiều lần mà người múa trên sân khấu, dưới sân vẫn chưa muốn dừng. Cha Vinh sơn Vũ Văn Bằng phải chuyển sang tiết mục hỏi đáp có thưởng. Nhiều thiếu nhi Ba Làng đã trả lời đúng nhận được tràng vỗ tay của cử tọa cũng như phần thưởng của cha Vinh sơn. Phần thưởng lớn nhất - Bộ Kinh thánh mà cha Giuse Đỗ Đình Tư dành trao cho bà Têrêsa Nguyễn Thị Năm- một thành viên của Tông đoàn, một tân tòng mới 13 năm mà đã rao giảng Tin Mừng cho hơn 100 người, lập hẳn được họ giáo mới Tứ Cờ ở Bắc Ninh, có nhà nguyện, có thánh lễ hàng tuần. 
Chia tay Ba Làng, chúng tôi cầu mong sẽ được đến dự sự kiện 400 năm (1627-2027) cha Đắc Lộ đặt chân lên đây và để chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục ở mảnh đất lịch sử này.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Nhà thờ Đức Bà ở Tournai (08/09/2023)
Nhà thờ thánh Micae (29/08/2023)
Tân học tinh hoa với chuyện đời: Việc gì cũng cần có sức khôe (29/08/2023)
Tu viện Haghpat (18/08/2023)
Huyền bí Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn - Ninh Bình (11/08/2023)
Hoàng Phủ Ngọc Tường - kẻ lữ hành đi tìm cái đẹp (03/08/2023)
Quần thể tu viện Meteora (03/08/2023)
Giúp người là giúp mình (27/07/2023)
Chương trình biểu diễn của Blackpink tại Hà Nội không bị hủy (25/07/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log