Văn hóa nghệ thuật

Hoàng Phủ Ngọc Tường - kẻ lữ hành đi tìm cái đẹp

Cập nhật lúc 14:49 03/08/2023
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - một trong vài cây viết bút kí đặc sắc nhất của Việt Nam đã qua đời ngày 24/7/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 87 tuổi, sau sự ra đi của vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chưa đến 20 ngày (bà mất ngày 6/7/2023), để lại nỗi thương tiếc cho các bạn bè đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý sự nghiệp của ông bà.
Hoàng Phủ Ngọc Tường ở tuổi trung niên.
Hoàng Phủ Ngọc Tường ở tuổi trung niên.

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra tại Quảng Trị, lớn lên ở Huế, là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào học sinh, sinh viên, tri thức các thành phố miền Nam đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước. Cuộc đời của ông để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhưng văn chương của ông để lại cho bạn đọc những vẻ đẹp đặc sắc không thể quên về tình yêu quê hương xứ sở và những vẻ đẹp đặc sắc của cuộc sống, nhất là thành phố Huế. Cách đây vài năm, tôi đã có một bài viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nỗi xúc động rối rít về vẻ đẹp của văn chương ông. Như một nén tâm nhang tiễn ông về với Lâm Thị Mỹ Dạ - người bạn gái thân yêu của tôi - Tôi xin đưa lại bài viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường để bạn đọc cùng nhớ tới ông.
Huế - tháng 5/2002. Bây giờ Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi đó, trên chiếc xe lăn. Nếu lấy World Cúp 1998 làm mốc, ông ngồi hoặc nằm như thế đã bốn năm - bên cạnh người đàn bà yêu của mình - nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ.
 
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi bạo bệnh, phải ngồi xe lăn.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi bạo bệnh, phải ngồi xe lăn.
Nhìn cái dáng Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi trên xe lăn cặm cụi ký những dòng tên vào cuốn sách trong bộ tuyển tập vừa xuất bản để gửi cho bạn bè Hà Nội, bất giác tôi nhìn xuống đôi chân không còn đi lại được của ông và chỉ muốn khóc - cái đôi bàn chân đã rong ruổi khắp mọi miền đất, từ thành phố Huế quê hương đến những nẻo đường kháng chiến, những vùng đất từ Kinh Bắc đến xứ Nghệ, hay chót vót Lũng Cú cùng vạt đất cuối cùng Cà Mau, hay Pari diễm lệ - ông là kẻ lữ hành không biết mệt đi tìm cái đẹp để từ đó thăng hoa những ẩn ức vô cùng sâu sắc và phong phú về cái đẹp của ông mà tặng cho chúng ta qua những trang sách. Ở thể loại ký, tôi cho rằng ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường là độc nhất vô nhị của giai đoạn văn học này. Sau Nguyễn Tuân, có một thế giới Hoàng Phủ Ngọc Tường biết chỉ ra sự ma mị của cái đẹp luôn ám ảnh mỗi chúng ta.
 
Nhà thơ Lâm Thị Vỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tôi viết thế có vì quá yêu quí ông không nhỉ?
Và Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải chỉ có thế: Vẽ tôi một nửa mặt người
Hay:
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ..
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt, một đời phù du...
Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
“Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu”
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm
Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi...
Tôi còn ngon nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh...    

Đó là những câu thơ của Hoàng Phủ - những câu thơ quay mặt vào lòng mình để hướng tới chân trời cao rộng của cõi người, cõi đời...
Tôi còn nhớ, vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, đám học trò học văn chúng tôi biết đến Hoàng Phủ Ngọc Tường qua những bút ký như: Ngôi sao trên đinh Phu Văn Lâu, Như con sông từ nguồn ra biển, Rất nhiều ánh lửa... Lại biết thêm về cuộc đời một trí thức đã từng có mặt trong phong trào xuống đường của thanh niên trí thức Huế, rồi từ thành phố Huế mà đến với cuộc chiến đấu của nhân dân, như một người lính thật sự. Những năm tháng ấy, sự “nhận đường” và “nhập cuộc” của những người trí thức các thành phố miền Nam bị tạm chiếm như anh mang một vẻ đẹp lý tưởng khá hấp dẫn với một thế hệ như thế hệ chúng tôi hồi ấy. Trong những năm tháng ấy, năm 1972, anh trở thành “phu quân” của nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ bạn tôi. Đám cưới họ được tổ chức ở 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở Hội LHVHNT Việt Nam), do chính các vị lãnh đạo Hội LHVHNT Việt Nam đứng ra tổ chức; phù dâu Dạ là tôi và nhà văn Lê Minh Khuê. Mặc dầu “quen” là vậy, mỗi trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn mang đến cho tôi những điều lạ lẫm thú vị, đặc biệt là những bài ký. Nói như nhà văn - nhà bút ký số một Nguyễn Tuân, ký của Tường “có rất nhiều ánh lửa”. Ánh lửa ấy có sức hút ma mị, như dắt người ta tìm về nguồn cội của cái đẹp, như xui người ta yêu hết lòng một cái gì đó, lại có lúc như một khúc quân hành hướng lòng ta tới rộng dài tình yêu Tổ quốc...
Bây giờ tôi đang ngồi trước bộ sách Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm 4 tập, gần 3000 trang sách, được in đẹp và trang trọng. Theo lời giới thiệu của nhà biên soạn, kể từ khi tập bút ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” do NXB Giải phóng ấn hành 1972, đến nay Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lần lượt góp mặt 14 tác phẩm, trong đó có hai tập thơ (Những dấu chân qua thành phố - 1976, Người hái phù dung - 1995); còn lại là những tập ký: “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (1972), “Rất nhiều ảnh lửa” (1979), “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (1984), “Bản di chúc của cỏ lau” (1984), “Hoa trái quanh tội” (1995); “Huế - di tích và con người” (1996), “Ngọn núi ảo ảnh” (2000), “Trong mắt tôi” (2001), “Rượu hồng đào” (2001) và ba tập: “Nhàn đàm” (1997), “Người ham chơi” (1998) và “Miền gái đẹp” (2001). Tôi biết, trong những tập sách này, có những tập được xuất bản sau khi Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến mạch máu não, cướp đi của anh tiếng nói rõ ràng và khả năng đi lại. Anh đã “trở về” với cuộc sống và văn học bằng một cố gắng phi thường và một khả năng siêu nhiên, với sự giúp đỡ của những người thân. Và tôi còn tin rằng anh đã “trở về” bằng sự dẫn dắt của lòng yêu CÁI ĐẸP...
Tôi không kịp “thống kê” xem Hoàng Phủ Ngọc Tường có bao nhiêu bút ký hay một thứ ký khác anh đặt tên là “Nhàn đàm”. Chỉ có điều, những bút ký ấy, những bài viết ấy như một hành trình văn hóa tìm đến tận cùng CÁI ĐẸP từ một trái tim giầu ẩn ức và một cái đầu minh triết, đầy ắp những dữ kiện văn hóa.
Đã có rất nhiều người nói về lòng yêu Tổ quốc, một Tổ quốc cụ thể cho mỗi số phận, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường, lòng yêu ấy không chỉ cụ thể cho mỗi số phận, cho một thế hệ, mà lòng yêu ấy còn là một văn hóa cảm nhận, để rồi lãng mạn, bay bổng, bất chấp hiểm nguy, chiến tranh, bão táp, thời gian, hay cả sự ngộ nhận. Những “Rất nhiều ánh lửa”, “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lau”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Rừng nước mặn”, “Đất mũi”, “Đánh giặc trên hàng rào điện tử”, “Như con sông từ nguồn ra biển”, “Vành đai trong lửa” v.v... là trong mạch nguồn cảm xúc ấy. Qua những trang viết, ta bỗng nhận ra rằng: lòng yêu Tổ quốc là một giá trị văn hóa, giá trị làm người, có và cần cho mỗi con người... Một thế hệ Hoàng Phủ, một thế hệ thanh niên trí thức dã hòa nhập vào Tổ quốc bằng lòng yêu ấy.
Người gốc Quảng Trị nhưng Tường sinh ra và lớn lên ở Thành phố Huế mộng mơ. Tôi tin rằng Huế đã chọn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm người phát ngôn cho lòng yêu Huế một cách cuồng nhiệt và mộng mị mà người cố đô vẫn có và được coi như là một giá trị. Những “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, “Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế”, “Chuyện lai rai về lăng Khải Định”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Chuyện cơm hến”, “Tính cách Huế”. “Mấy đặc trưng văn hóa ăn vùng Huế”, “Chuyện nhà Nguyễn”, “Báo động về môi trường Huế dưới góc nhìn văn hóa”, “Thành phố lịch sử - một cơ may cứu vãn Huế”, “Những cuốn sách tôi đã đọc thời bé”, “Thảo Am Nguyễn Khoa Vy”, “Trung tâm thành Châu Hóa”, “Diễm xưa của tôi” v.v... là những áng văn không thể quên viết về xứ Huế. Ở đây, có một sự trùng khớp giữa cảnh sắc, lịch sử, văn hóa của một vùng đất ảm ánh với tâm hồn một nhà văn giàu văn hóa, nhạy cảm, tinh tế cùng lòng yêu mãnh liệt đất nơi mình sinh ra. Có một Huế vàng son một thuở, một Huế kiêu sa, mơ mộng, một Huế thâm trầm, quả cảm trong văn của Tường để rồi từ dó, có một thứ cao sang khác phủ trong ngòi bút Tường như váng vất đâu đây một thứ bụi vàng son đậu lại trong văn học.
Tôi dừng lại thật lâu trước Ngọn núi ảo ảnh, Diễm xưa của tôi, Tuyệt tình cốc, Thế giới của Hoàng tử Bé... của Hoàng Phủ Ngọc Tường... “Tôi đã đến và thấy, và lang thang với Bạch Mã trong những năm bình yên của đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, để nay còn giữ lại trong ký ức hình ảnh hầu như còn nguyên vẹn của một thế giới trước khi nó tan vỡ, hoặc đúng hơn, bị nghiền nát...”. Tôi cũng đã lang thang trong thế giới ảo ảnh ấy của Tường cùng dãy Bạch Mã bí ẩn, cũng như lang thang trong thế giới của Hoàng tử Bé (nhân vật của nhà văn Pháp Êxuypêri) được Tường gán cho Trịnh Công Sơn và chợt hiểu rằng: những ẩn ức về cái đẹp đã làm nên sức cuốn hút ma mị của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng như sức cuốn ma mị của văn hóa, của lòng yêu đích thực. Đó cũng là cái gốc lớn nhất của văn học...    
Phạm Hồ Thu
Thông tin khác:
Quần thể tu viện Meteora (03/08/2023)
Giúp người là giúp mình (27/07/2023)
Chương trình biểu diễn của Blackpink tại Hà Nội không bị hủy (25/07/2023)
Tuyển nữ Việt Nam thi đấu quả cảm trong trận cầu ra mắt sân chơi World Cup (23/07/2023)
Cây lê trên vùng đất Nậm Pung (21/07/2023)
Chương trình tri ân anh hùng, liệt sĩ: 'Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm' (17/07/2023)
Lễ hội pháo hoa khép lại, khát vọng về "thế giới không khoảng cách" mở ra (10/07/2023)
Tu viện Fontenay (01/07/2023)
Thăm "nhà nguyện Sistine" ở Sầm Sơn (01/07/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log