Văn hóa nghệ thuật

Đôi điều thú vị về lễ Halloween ở Hoa Kỳ

Cập nhật lúc 15:52 28/09/2023
HALLOWEEN có những nét tương đồng với lễ Cô Hồn vào rằm tháng Bảy Âm lịch ở Việt Nam, nhưng ở Hoa kỳ lại tổ chức vào ngày 31 tháng 10 mỗi năm, trong buổi tối áp Lễ Các thánh trong Kitô giáo (1/11).
Halloween ở Mỹ là một trong những ngày lễ lớn hằng năm của người dân xứ sở cờ hoa.
Halloween ở Mỹ là một trong những ngày lễ lớn hằng năm của người dân xứ sở cờ hoa.

Ngày Halloween được cử hành với những hình thức thật phong phú và lạ mắt, trở thành truyền thống đã phổ biến rộng rãi tại các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Puerto Rico. Và bắt đầu trở nên quen thuộc tại Úc, New Zealand và cả ở Việt Nam.
Halloween bắt nguồn từ phong tục mê tín của ngưởi Druid thuộc giống dân Celts cổ. Họ tin rằng ngày 31/10 là đêm cuối năm cũ theo lịch Druil, chính là ngày âm dương giao hòa. Kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dịp này, những người chết sẽ hiện về, lang thang vất vưởng trở lại trần thế, nên tất cả các nhà đều dập tắt lửa và mặc những trang phục ghê gớm diễu hành làm ầm ĩ khắp xóm, để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác người sống nhập vào trong đêm này.
Halloween viết rút gọn từ “All Hallowes Eve” có nghĩa là buổi tối linh thiêng hay thánh thiêng. Theo thời gian, All Hallowes Eve lâu dần trở thành Halloween. Và theo sử gia Nicholas Rogers thì nguồn gốc của lễ Halloween có từ thời cổ đại La Mã xa xưa, liên quan đến tục thờ nữ thần Pomona là người cai quản cây cỏ, hoa quả.
Lâu nay ở đất nước Cờ Hoa, dù còn hơn cả tháng nữa mới đến ngày Halloween, nhưng các cửa hàng, tiệm buôn đã trưng bày hàng hóa la liệt, đáp ứng nhu cầu cho thiên hạ mua sắm đồ dùng, từ quần áo ma quái, mũ nón, hình tử thần cầm lưỡi hái đến các vật dụng rùng rợn như quạ đen, mạng nhện giăng tơ, đầu sọ và xương người… để mời chào khách hàng mua về trưng bày nhà cửa, sân vườn với ánh đèn nhấp nháy ban đêm, dọa dẫm khách qua đường... 
Về thực đơn, tùy theo địa phương, mọi người vào dịp này thường quy tụ trước lò sưởi cùng thưởng thức bánh táo, bánh crepe, đậu phụng rang, uống rượu nho, nhưng không quên sắm sửa một số quả bí đỏ, vài rổ trái táo, ít cây củ cải, do các trái này có ít nhiều giai thoại gắn liền với ngày lễ. Vì những gia đình chơi Lễ Halloween luôn đặt trong nhà, trước cửa, ngoài vườn những trái bí rợ được khoét thành những khuôn mặt tùy theo trí tưởng tượng, liên quan tới sự tích bắt nguồn từ một con người sống tội lỗi chơi với ma quỷ, khi chết không được vào Thiên đàng, mà xuống hỏa ngục con quỷ lại từ chối, nên đành trở về trần gian, nhưng bơ vơ chẳng có nơi nương tựa, phải đi vất vưởng.
 
Halloween có nguồn gốc từ châu Âu nhưng trong thế kỷ XIX những người nhập cư đã mang nó đến Bắc Mỹ.
Halloween có nguồn gốc từ châu Âu nhưng trong thế kỷ XIX những người nhập cư đã mang nó đến Bắc Mỹ.
Chuyện kể rằng: Một hôm, có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư. Người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “Yếm” và “Khóa” các cửa ra vào. Thế là con quỷ bị bắt... Nhưng có chàng trai tên Jack vốn là người tham lam, bủn xỉn thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai, mà lại thường chơi đùa thân thiết với ma quỷ lâu nay, nên đã tìm cách gỡ vật “Yểm”, mở đường cho quỷ chạy thoát.
Để đền ơn cứu mình, quỷ hứa với Jack, sẽ không bắt hồn chàng về hỏa ngục. Do đó, khi Jack chết vì tai nạn, hồn Jack bị Thiên đàng từ chối, Jack liền tìm đến hỏa ngục. Nhưng vì lời hứa trước đây nên quỷ không cho vào. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở hỏa ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Vì muốn cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng vài lỗ trên quả bí ngô và ánh lửa trong đó đã chiếu ra soi sáng các nẻo đường lang thang của Jack, cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Sau này, khi nhập cư vào Mỹ, người Ailen đã biến quả bí ngô là loại nông sản trù phú của thổ dân Mỹ thành chiếc đèn lồng của Jack, được khắc hình và bên trong gắn đèn đốt sáng như chúng ta vẫn thường thấy. Từ đó, trái bí ngô mầu vàng ươm như biểu tượng của ngày Halloween theo sự tích trên, đã được mua về trưng bày la liệt trước cửa nhà đón chào ngày hội. 
Theo thời gian, vào dịp Halloween, một trò chơi truyền thống cũng được phổ biến với sự xuất hiện những quả táo với hình thức bói toán và tin tưởng rằng cây táo từ lâu đã được gắn với hình ảnh nữ thần bất tử và trí tuệ Pomona. Khi bổ ngang quả táo sẽ lộ hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho nữ thần trong niềm tin của người châu Âu xưa. Táo còn dùng thả trong chậu nước, hoặc treo trên sợi dây. Những thanh niên nam nữ, tới tuổi cập kê không được dùng tay, mà phải sử dụng răng, tìm mọi cách để lấy quả táo lên, người nào lấy được thì tin rằng sẽ sớm lập gia thất.


 
Các bạn nhỏ Hoa kỳ tham gia lễ Halloween.
Các bạn nhỏ Hoa kỳ tham gia lễ Halloween.

Holloween đến Mỹ do những di dân đầu tiên. Đa số đến từ Anh Quốc và một số quốc gia từ các vùng thuộc dân tộc Celts đem qua, cũng đã pha trộn nhiều phong tục ngoạn mục lạ kỳ xuất hiện ở đây. Nhưng mãi đến năm 1800 mới trở thành tục lệ chính thức được nhiều người hưởng ứng nhiệt liệt.
Từ đó tại Hoa Kỳ, về hình thức, lễ Halloween trở thành một sinh hoạt lễ hội dành cho trẻ em và thiếu niên, mặc dù người lớn cũng rất thích thú cùng hòa nhập tham gia. Khác với trẻ em ở các nước Á châu và Việt Nam, cúng Cô hồn rằm tháng 7 là dịp để “tranh đồ cúng - cướp cô hồn” thì trẻ em tại Mỹ vào dịp Halloween thường hóa trang với quần áo đủ kiểu. Có khi thành những bộ xương di động, đeo mặt nạ hình ma quái rồi cầm lồng đèn thắp sáng đi từ nhà này sang nhà khác. Các em gõ cửa và nói “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”. Thông thường, những người chủ nhà cho bánh, kẹo và cả trái cây, đôi khi còn nhét tiền lẻ ở bên trong quà bánh.
Muốn giữ an toàn cho con em không được đi một mình, nên phải tụ họp nhau có người lớn hưóng dẫn. Nhiều cộng đồng khu phố còn đứng ra tổ chức lễ hội để ngăn ngừa những hành động nghịch ngợm quá trớn gây ra tai nạn cho các em nhỏ.
Nhân lễ Halooween, Liên hợp quốc cũng thường tổ chức quyên góp cho các quỹ Nhi đồng trên thế giới, kết hợp với những cuộc thi tổ chức có giải thưởng dành cho nhi đồng. Đây còn là dịp cho các cháu gặp gỡ nhau vui chơi. 
Trong ý nghĩa nhân bản, lễ hội Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch ở Việt Nam, ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la, nơi gặp gỡ của tâm hồn nhân bản Đông, Tây. Cuộc gặp gỡ này đã phần nào nói lên cái triết lý “Âm, Dương nhất lý. Sinh, Tử đạo đồng” vậy.
 Dù bắt nguồn từ lễ hội Celtic cổ xưa của các dân tộc sống ở nhiều nước châu Âu và châu Á thời tiền sử La Mã, nhưng nay đã được nhiều dân tộc đón nhận. Nên ở bất cứ quốc gia nào, bên cạnh những đặc trưng riêng của từng lãnh thổ, qua các nghi thức truyền thống của ngày Halloween, việc tổ chức có đôi chút khác biệt. Nhưng cũng là chung một hình thức mang giá trị tinh thần, luôn được mọi người coi trọng, gợi nhớ cho ta tưởng niệm đến các thân nhân quen thuộc, mà một thời gắn bó mật thiết với chúng ta nơi trần thế mà nay đã ra đi. Cầu mong linh hồn họ được hưởng hạnh phúc viên mãn nơi Thiên quốc và cho kẻ sống nơi trần gian được mọi sự tốt lành, an vui.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Trung Thu (28/09/2023)
Nhà thờ Tắc Sậy, Bạc Liêu (18/09/2023)
Di chỉ Abu Mena (11/09/2023)
Về thăm Cửa Bạng, xứ Thanh (11/09/2023)
Nhà thờ Đức Bà ở Tournai (08/09/2023)
Nhà thờ thánh Micae (29/08/2023)
Tân học tinh hoa với chuyện đời: Việc gì cũng cần có sức khôe (29/08/2023)
Tu viện Haghpat (18/08/2023)
Huyền bí Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn - Ninh Bình (11/08/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log