Gương điển hình

Giáo phận Bùi Chu - nơi đón nhận Tin Mừng đầu tiên

Cập nhật lúc 11:09 27/02/2024
Tuy chỉ là một làng quê, nhưng địa danh Bùi Chu mỗi khi nhắc đến, thì hầu như cả nước và nhiều nơi trên thế giới đều biết tới trong một đức tin kiên trì sắt đá, với hàng ngàn đấng tử đạo, mà không một dòng họ nào trong giáo phận lại không tự hào mình có ông tổ là thánh tử đạo.
Giáo phận Bùi Chu có nhiều xứ đạo lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Công giáo tại Việt Nam.
Giáo phận Bùi Chu có nhiều xứ đạo lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Công giáo tại Việt Nam.
Địa phận Bùi Chu là một địa danh đặc biệt gắn liền với tỉnh Nam Định, trải dài khắp địa bàn 6/9 huyện, thuộc hướng Đông Nam. Đó là các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Xuân Trường. Nguồn gốc Bùi Chu là tên gọi của một thôn, thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường. Dân chúng trong vùng sống về nghề nông và đánh cá, thêm nhiều nghề thủ công lâu đời, ngày càng phát triển.
Tuy chỉ là một làng quê, nhưng địa danh Bùi Chu mỗi khi nhắc đến, thì hầu như cả nước và nhiều nơi trên thế giới đều biết tới trong một đức tin kiên trì sắt đá, với hàng ngàn đấng tử đạo, mà không một dòng họ nào trong giáo phận lại không tự hào mình có ông tổ là thánh tử đạo.
Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, dân chúng với bản chất hiền hòa chất phác, siêng năng đạo đức có bề dày lịch sử, văn hóa cổ truyền, được lưu giữ và phát triển dưới nhiều hình thức sinh hoạt, qua các lễ hội truyền thống đa dạng và phong phú của tiền nhân, thật là đáng quý, luôn hấp dẫn khách tham quan du lịch.

I. ĐÔI NÉT VỀ NAM ĐỊNH VÀ BÙI CHU QUA DÒNG THỜI GIAN
 
Đền thánh Ninh Cường tọa lạc trên mảnh đất giáo sĩ Inikhu đã đến rao giảng Tin Mừng vào tháng 3 năm 1533.
Đền thánh Ninh Cường tọa lạc trên mảnh đất giáo sĩ Inikhu đã đến rao giảng Tin Mừng vào tháng 3 năm 1533.
Theo dòng lịch sử, vào khoảng niên hiệu Thiên ứng Chính Bình (1238-1250), đời vua Trần Thánh Tông, thì Nam Định thuộc lộ Thiên Trường. Đến thời nhà Minh đô hộ, lộ Thiên Trường lại chia thành các phủ Trấn Man, Phụng Hóa và Kiến Bình.
Năm Bính Tuất (1466), niên hiệu Quang Thuận VII, vua Lê Thánh Tông chia nước thành 13 Thừa Tuyên. Năm Tân Dậu (1741) niên hiệu Cảnh Hưng II, vua Lê Hiển Tông chia Sơn Nam Thừa Tuyên làm Sơn Nam thượng lộ và Sơn Nam hạ lộ. Năm Nhâm Ngọ (1822) niên hiệu Minh Mạng III, Sơn Nam hạ đổi thành trấn Nam Định. Và địa danh Nam Định chính thức xuất hiện từ đó.
Tháng 10 năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng cải danh các đơn vị hành chính trong nước thành tỉnh. Tỉnh Nam Định lúc ấy gồm 4 phủ: Thiên Trường, Thái Bình, Nghĩa Hưng, Kiến Xương và 17 huyện. Ngày 21/03/1890, đời vua Thành Thái, hai phủ Thái Bình và Kiến Xương của tỉnh Nam Định kết hợp với huyện Thần Khê của tỉnh Hưng Yên lập ra tỉnh mới Thái Bình. Tỉnh Nam Định chỉ còn lại 2 phủ: Thiên Trường, Nghĩa Hưng và 8 huyện.
Thời Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 21/4/1965, đã nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành một, gọi là tỉnh Nam Hà. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Nam Định. Ngày 27/4/1975, kết hợp với tỉnh Ninh Bình và lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh. Tới ngày 26/12/1991 lại có quyết định chia tỉnh Hà Nam Ninh thành tỉnh Nam Hà và tinh Ninh Bình. Đến ngày 6/11/1996, tỉnh Nam Hà chia thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam.
Địa danh đất đai thay đổi theo chế độ cầm quyền. Nhưng địa bàn của địa phận Bùi Chu trước sau vẫn bao gồm 6 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường của tỉnh Nam Định.
Về đời sống kinh tế, Bùi Chu thuộc duyên hải miền Bắc, toàn khu vực là đồng bằng nằm giữa các con sông tràn đầy phù sa bồi đắp, như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ,... Do đó, đại đa số nhân dân gắn bó với đồng ruộng, nên hầu hết các làng có người làm “Hàng xáo” tức là xay thóc và giã thành gạo rồi đem bán. Ngoài ra, dân còn sống bằng mấy nghề đặc biệt: Tại các làng ven biển ven sông, đánh cá quanh năm, gọi là nghề “thuyền chài”. Tại huyện Giao Thủy và Hải Hậu nhờ có độ mặn nước biển cao nên dân sống bằng nghề “làm muối”. Nghề “đúc đồng” phát triển ở xứ Kiên Lao và Đông Quỹ nổi tiếng. Tương Nam và Quần Phương chuyên nghề “dệt vải”. Sa Châu chuyên nấu “nước mắm”, Báo Đáp có nghề “nhuộm vải và làm đồ mã”, đặc biệt làm đèn giấy trong dịp Tết Trung thu và mùa Giáng sinh. Ở Thủy Nhai có nghề làm “đậu phụ”; Lục Thủỵ nổi tiếng trồng “rau cần” tiến Vua và nghề đóng “cối xay thóc” bằng tre rất được tin dùng.
Trong thời gian từ năm 1935 tại các làng Bùi Chu, Lục Thủy, Trung Lao có nghề “thêu ren” nổi tiếng xuất khẩu sang Pháp bán, hiện nay vẫn còn duy trì.
Bùi Chu là vùng nông nghiệp lớn ở miền Bắc nên đa số làm ruộng. Về thương mại còn có một số người làm nghề bán thuốc Bắc, cao đơn hoàn tán, thuốc Tây, đi gánh “hàng bồ” buôn bán hàng dạo lên các tỉnh miền Thượng Du, 6 tháng mới về cất hàng rồi đi tiếp. Một số người lên Thái Nguyên làm rừng, khai thác gỗ đem về Bùi Chu bán buôn làm vật liệu xây cửa cất nhà.
Về đặc sản, luôn có những ngũ cốc như lúa, ngô, đậu, khoai sắn, bầu bí, chuối, mít, trầu cau, rau quả thông thường ở đâu cũng trồng được, để tiêu dùng trao đổi với nhau tùy theo mùa vụ.
 
II. SƠ LƯỢC VỀ ĐỊA PHẬN BÙI CHU XƯA VÀ NAY
 
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu trước khi được hạ giải có lịch sử tương đương Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu trước khi được hạ giải có lịch sử tương đương Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục bắt đầu soạn thảo từ năm 1856 theo chỉ dụ của vua Tự Đức, hoàn tất vào năm 1884. Sau 28 năm làm việc, Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn bộ sử này mới xong, gồm 53 quyển: 1 quyển Thủ, 5 quyển chép phần Tiền biên và 47 quyển chép phần Chính biên. Đặc biệt trong quyển 26 phần Chính biên. Tờ 66, từ hàng thứ nhất tới hàng thứ tư có chép:
“Giatô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên hòa nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân Inêkhu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ Giatô tả đạo truyền giáo”. Dịch nghĩa: “Đạo Giatô theo bút ký của tư nhân, đời Lê Trang Tông, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), có người Tây dương tên Inêkhu, vào truyền bá đạo Giatô ở làng Ninh Cường và Quan Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”.
Đoạn trích trên đây là tài liệu độc nhất trong chính sử nói về giáo sĩ Inêkhu. Sự ghi nhận về giáo sĩ Inêkhu kể trên cho biết Bùi Chu là miền đất đón nhận ánh sáng Phúc Âm rất sớm, nếu không phải là đầu tiên ở Việt Nam. Vì ba làng mà Quốc sử ghi nhận giáo sĩ tới truyền giáo đều nằm trong khu vực địa phận Bùi Chu ngày nay.
Vào thời điểm ngày 9/9/1659 khi Tòa Thánh chính thức thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, thì miền đất giáo phận Bùi Chu đã có đông giáo hữu thuộc giáo phận Đàng Ngoài, do các thừa sai dòng Tên rồi tới các linh mục dòng Đa Minh phục vụ.
Ngày 15/11/1679, giáo phận Đàng Ngoài được chia làm hai: giáo phận Đông do Đức cha Deydier Điển cai quản và giáo phận Tây do Đức cha Bourges cai quản. Suốt thời gian 1679- 1848, Tòa Giám mục đặt tại Lục Thủy, Trà Lũ, Trung Linh và Bùi Chu. Từ năm 1757, giáo phận Đông được trao cho các linh mục dòng Đa Minh đảm nhiệm.
Năm 1848, Tòa Thánh tách giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận, một giữ tên giáo phận cũ và một lấy tên giáo phận Trung (nằm giữa giáo phận Đông và giáo phận Tây). Giáo phận mới tuy nhỏ bé về địa lý nhưng giáo dân lại nhiều gấp ba giáo phận Đông. Trong thời gian này, Giáo hội Việt Nam nói chung gặp nhiều khó khăn, gian nan thử thách do các sắc chỉ cấm đạo gắt gao của vua Minh Mạng (1791-1841) và vua Tự Đức (1829-1883). Có những lúc tưởng chừng như Kitô giáo bị xóa sổ tại Bùi Chu.
Sự khốn khó theo thời gian qua đi. Ngày 03/12/1924, tất cả các địa danh giáo phận tại Việt Nam được đổi tên theo địa hạt hành chính nơi đặt Tòa Giám mục. Giáo phận Trung đổi thành giáo phận Bùi Chu do Đức cha Munagorri Y Obineta Trung (1865-1936) cai quản. Cho đến ngày 9/03/1936, Bùi Chu chia thành hai giáo phận: Giáo phận Thái Bình giao cho các thừa sai Đa Minh phụ trách. Phần còn lại vẫn giữ tên Bùi Chu do Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), vị Giám mục bản quốc thứ hai cai quản. Khi đó, Bùi Chu gồm 6 huyện của tỉnh Nam Định, với số tín hữu khoảng 210.000 người và hơn 100 linh mục, 390 thầy giảng và 520 thánh đường. Và từ giờ phút này, Bùi Chu chuyển sang giai đoạn mới, do sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm Việt Nam, sau 88 năm dưới thời các Giám mục ngoại quốc cai quản (1848-1936).
Kế tiếp sự nghiệp Đức Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, giao lại Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (1909-1988). Tiếp nối là: Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh (1917-1974), Đức cha Đa Minh Lê Hữu Cung (1898-1987), Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất (1911- 1999), Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm (1938-2013), Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Đệ. Trải qua bao sóng gió lúc thuận tiện cũng như khi gian nan, Bùi Chu vẫn một lòng sắt son kính Chúa yêu người, tha thiết gắn bó với quê hương.
Ngày nay, với sự lãnh đạo khôn ngoan của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, đã đưa giáo phận Bùi Chu đi lên với số 417.185 tín hữu, 222 linh mục, 1.051 nam nữ tu sĩ, 178 chủng sinh, 231 chủng sinh dự bị và các đoàn thể Công giáo tiến hành. Tất cả quy tụ trong 13 giáo hạt: Báo Đáp - Bùi Chu - Đại Đồng - Kiên Chính - Lạc Đạo - Liễu Đề - Ninh Cường - Phú Nhai - Quần Phương - Quỹ Nhất - Thức Hóa - Tương Nam - Tứ Trùng. Sinh hoạt trong toàn giáo phận có 175 giáo xứ và 438 giáo họ rất là năng động.
 
MỞ MANG CÁC DÒNG TU
1, Khi nhận giáo phận, Đức Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn sáng lập dòng Mân Côi và được Tòa Thánh công nhận 18/7/1946.
2, Đức Giám mục Phêrô Phạm Ngọc Chi là đại ân nhân của dòng Đồng Công đã ban sắc lệnh lập dòng tại giáo xứ Liên Thủy 02/02/1953 do cha Đa Minh Trần Đình Thủ (1906- 2007) sáng lập.
3, Dòng nữ Đa Minh Bùi Chu phát triển mạnh tại Bùi Chu và miền Nam.
4, Tu hội Khiết Tâm quy tụ các thầy giảng có lời khấn.
5, Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa chuyên về bệnh viện từ Canada về Bùi Chu.
6, Dòng Trinh Vương được Đức cha ủy cho cha Đa Minh Thủ, Bề trên dòng Đồng Công thiết lập, sau giao lại cho cha Đa Minh Bùi Quang Trung làm Tuyên Úy từ 1953.
7, Chủng viện Mẫu Tâm tái thành lập 01/9/1955 tại Trung Linh. Nơi đây, Đức Giám mục Giuse Phạm Năng Tĩnh (1918-1974) đã truyền chức 29 tân linh mục vào ngày 8/12/1963.

III. BÙI CHU TRONG NIềM TIN VỮNG BƯỚC ĐI LÊN
 
Vương cung thánh đường Phú Nhai
Vương cung thánh đường Phú Nhai
Lâu nay giáo phận Bùi Chu có tiếng mộ đạo với nhiều nhà thờ lớn, tu viện, đan viện, cơ sở từ thiện và giáo dục với tỷ lệ giáo dân đông bậc nhất trong cả nước.
Giáo hữu Bùi Chu từ trước cho đến ngày nay, giữ đạo vững vàng và theo đúng truyền thống của cha ông. Có những khoảng thời gian vì không có điều kiện học hỏi, thiếu sách đạo, thiếu thầy hướng dẫn, nhưng bù lại có cha mẹ đạo hạnh làm gương dạy bảo thay cho giáo lý, giúp cho con em giữ đạo nhiệt thành, sống đức tin mạnh mẽ, cùng giữ gìn các lễ nghi, nguyện ngắm, kinh hạt, rước kiệu, chầu lượt và tuần đại phúc. Giáo dân luôn tôn kính vâng lời các vị chủ chăn, luôn yêu thương tận tình đùm bọc nhau khi gặp gian nan khốn khó.
Vào cuối những năm 1991 và đầu các năm 2000, nhiều giáo xứ đã kỷ niệm 400 năm, 300 năm, 200 năm hoặc 100 năm đón nhận Tin Mừng và xin mở Năm Thánh với ơn Toàn Xá.
Riêng tại giáo phận Bùi Chu đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Thiếu nhi Thánh Thể vào ngày 31/12/1997. Lễ bế mạc Năm Thánh 01/01/1998 kỷ niệm 150 năm thành lập giáo phận Trung (1848-1998) và 140 năm dâng giáo phận cho Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (1858-1998) tại lễ đài đặt ở cuối công trường nhà thờ Chính Tòa do Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chủ sự, cùng với 8 Giám mục và 250 linh mục, trước một biển người khoảng 70.000 tham dự. Rồi đúng 4 giờ chiều cùng ngày, tại các giáo xứ trong giáo phận đều đồng loạt dâng lễ tạ ơn với những hồi chuông vang khắp nơi. Đã nói lên lòng đạo đức và kết đoàn của cả giáo phận chung một niềm tin.
Giáo hữu Bùi Chu giữ đạo nhiệt thành, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người chu toàn bổn phận với gia đình, với giáo xứ, với xã hội và ông bà tổ tiên. Chả vậy mà cuộc sống thường nhật của cộng đoàn giáo dân luôn gắn bó việc đạo việc đời đã quyện vào nhau, thể hiện qua những áng thơ ca bình dị nằm lòng:
“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai ngắm đứng, tháng Ba ra mùa.
Tháng Tư tập trông rước hoa,
Rước đèn làm Tạm, chầu giờ tháng Năm.
Tháng Sáu kiệu ảnh Lái Tim,
Tháng Bảy chung tiền đi lễ Phú Nhai.
Tháng Tám đọc ngắm Văn Côi,
Trở về tháng Chín xem nơi chồng mồ.
Tháng Mười mua giấy sao tua,
Trở về tháng Chạp sang mùa ăn chay”.
(Trích Kỷ yếu Trung Lao 2017, 
trang 216).
Nhờ ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Maria Vô Nhiễm quan thầy, cùng công đức của Tiền nhân để lại, giáo phận ngày càng phấn chấn, phát triển không ngừng trên mọi phương diện đạo cũng như đời, ấm no và hạnh phúc xứng đáng là vùng đất “Giáo phận truyền giáo kiểu mẫu” như lời Đức Thánh Cha Piô XI đã khen tặng.
Để kết thúc bài viết, chúng ta cùng nghe Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam lúc đó, trong bài giảng thánh lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu vào ngày 10/10/2009, nói về Bùi Chu với một tài sản phong phú có nhiều cái nhất:
1- Đón nhận Tin Mừng sớm nhất, vào năm 1553, ở Ninh Cường.
2- Số mật độ tín hữu cao nhất, chiếm tỷ lệ 32,9% dân số toàn vùng.
3- Ơn gọi tu sĩ nhiều nhất (kể cả chính thức cũng như chưa chính thức).
4- Thánh tử đạo nhiều nhất 44/117 vị, và 17.000 tín hữu đã hy sinh.
5- Nhà thờ, nhà nguyện mọc như nấm, rải đêu khắp địa giới giáo phận.
6- Thánh đường Phú Nhai ngày nay vẫn lớn nhất ở Đông Nam Á.
7- Giáo hữu đạo đức tham gia việc Nhà Chúa, nguyện ngắm, đóng góp không đâu bằng.
Giáo phận Bùi Chu thật đáng tự hào biết bao! 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Cháy mãi ngọn lửa yêu thương (12/02/2024)
Người giáo dân có tấm lòng vàng (06/02/2024)
Tỏa sáng niềm tin, tỏa sáng yêu thương, kết nối đạo - đời cùng đồng hành quê hương đất nước (31/01/2024)
Hạnh phúc trong gian khó (26/01/2024)
Chuyện về Hiệp sĩ Đại thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh (24/01/2024)
Hiệp sĩ Đại Thánh giá thăm, hỗ trợ các cơ sở tình thương tại Bình Dương (06/01/2024)
Tấm lòng linh mục với đồng bào dân tộc thiểu số (22/12/2023)
Vai trò của đồng bào Công giáo trong tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (25/11/2023)
Gặp gỡ Lạng Sơn, gặp gỡ Facolare (24/11/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log