Suy tư - Chia sẻ

Vai trò của Ngôn sứ

Cập nhật lúc 15:55 31/01/2024
Chúa nhật IV thường niên- Năm B; Bài đọc 1: Đnl 18:15-20; Bài đọc 2: 1Cr 7:32-35; Tin Mừng: Mc 1, 21-28
Ðức Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại.
Ðức Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại.
Ngôn sứ hay tiên tri là người nói thay cho Thiên Chúa, chứ không phải là những người nói trước về tương lai.
Bài đọc I trong sách Đệ nhị Luật, theo truyền thống, người Do Thái tin khi một người nhìn thấy Thiên Chúa, người đó sẽ phải chết. Thiên Chúa không xuất hiện để nói với dân, nhưng Ngài dùng những nhà lãnh đạo như Moses và Aaron, để thực thi những gì Thiên Chúa muốn. Để chứng nhận uy tín của những người lãnh đạo này, Thiên Chúa cho dân thấy một phần quyền năng của Ngài như khi dân Ixraen được triệu tập ở Horeb trong ngày đại hội. Nhưng dân chúng không thể chịu đựng nổi, dù chỉ một phần uy quyền của Thiên Chúa, nên họ nói với Moses: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.”
Chúa nói: Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” Vì Con người không muốn nghe sự thật, không thích ngôn sứ nói đến tội lỗi, hy sinh, từ bỏ, chịu đau khổ, vác Thánh giá….
Nhiều ngôn sứ sợ động chạm đến nhà cầm quyền và các thế lực mạnh, dùng danh Chúa để mưu cầu lợi ích cá nhân nên họ nói vuốt đuôi để thăng quan, tiến chức. Nói văn chương để tỏ cho khán giả thấy tài năng của mình… Chia sẻ Lời Chúa nhưng thích kể những câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn… bên ngoài.
Trong bài đọc 2, trích thư thứ 1 thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô nhấn mạnh: những người không có gia đình, họ có nhiều thời giờ hơn để làm những chuyện của Thiên Chúa. Cuộc sống độc thân của linh mục, tu sĩ… Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Tôi chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co. 
Lý luận căn bản của thánh Phaolô: Vì người độc thân không phải lo nghĩ đến người phối ngẫu nên họ có thời giờ và dành mọi tập trung lo việc của Thiên Chúa. Người có gia đình phải dành thời giờ và lo lắng cho người phối ngẫu, nên họ sẽ có ít giờ hơn để lo việc của Thiên Chúa, và tâm trí họ bị chia đôi. Đấy là chưa kể thời giờ phải lo cho các con nữa. Hãy chu toàn bổn phận trong ơn gọi của mình: Điều quan trọng không ở chỗ là tranh luận xem ơn gọi nào quan trọng hơn ơn gọi nào; nhưng ở chỗ mọi người hãy chu toàn ơn gọi của mình. Nếu ở bậc độc thân mà không chịu lo việc của Thiên Chúa, cũng chẳng làm lợi gì cho Ngài. Bậc nào cũng phải cộng tác với nhau và góp phần vào việc làm vinh quang Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu: Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ Tối Cao, vì Ngài là chính Lời của Thiên Chúa: Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, Chúa nói: “Người xưa đã dạy rằng… Phần Ta, Ta bảo các ngươi” “Ngày Sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát; Bởi đó, con người làm chủ luôn cả ngày Sabát” (Mt.5,21). Chúa Giêsu chú trọng đến tâm hồn bên trong như: kính sợ Thiên Chúa, lòng thương xót, thực thi ý Thiên Chúa, và bảo vệ sự sống; trong khi các Kinh sư chú trọng đến việc giữ các lễ nghi và Lề Luật hời hợt bên ngoài: giữ ngày Sabát và các luật thanh tẩy.
Chúa Giêsu không sợ nói và đối diện sự thật trong khi các Biệt phái và Kinh sư luôn tìm cách che đậy những toan tính gian ác trong tâm hồn. Ngài có uy quyền trên các thần ô uế. Chúng phải xác nhận: Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! 
Ngày nay cũng có rất nhiều người đang ở trong tình trạng xấu nhưng không muốn thay đổi. Các nhà tâm lý cho biết rằng nhiều người không muốn được chữa trị, vì chữa trị thì phải thay đổi, mà thay đổi thì đau đớn.
Chúng ta đều là những ngôn sứ của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải tìm hiểu, nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyền lực chống lại sự thật của thế gian và ma quỉ. Hậu quả có thể là không được người khác chấp nhận, bị phỉ báng, tù đày, và ngay cả nguy hiểm tính mạng...vì chúng ta lội ngược dòng với thế gian đầy mưu mô, gian trá…
Chúng ta không được sợ hãi, để rồi thay vì nói sự thật của Thiên Chúa, chúng ta nói những gì khán giả muốn nghe. Hãy nhớ chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mắt Thiên Chúa; Ngài sẽ đòi nợ máu chúng ta về sự hư đi của những người chúng ta đã không có can đảm nói sự thật cho họ.
Chúng ta phải tôn trọng những người có bổn phận rao giảng Tin Mừng, cho dẫu họ nói những gì chúng ta không muốn nghe, nhưng là sự thật của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả mọi sự dù là sướng dù là khổ đều làm cho đức tin của chúng ta càng vững mạnh hơn. Bởi vì ơn cứu rỗi chính là cái đức tin vững mạnh ấy, đúng như lời Chúa đã nói “Ai tin thì sẽ được rỗi” vậy.
Lời của Người giải thoát và đem lại lẽ sống cho tất cả chúng ta. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn xác tín sức mạnh tái sinh của Lời Chúa Kitô và hăng say rao giảng lời Chúa cho con người thời đại.
Thế lực ma quỷ và sự dữ luôn tác động trong đời sống xã hội hôm nay dưới nhiều hình thức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ về tinh thần và thể xác ở khắp nơi trên thế giới, tìm được niềm an ủi và sức mạnh chữa lành nơi Lời Chúa và các bí tích của Hội Thánh.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn, giáo xứ… chúng ta biết tích cực tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” và luôn ý thức làm vinh danh Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
LM Phaolô Trần Phương Minh
Thông tin khác:
Nén bạc năm qua (31/01/2024)
Chúa Kitô và ánh sáng cho muôn dân (08/01/2024)
Sống âm thầm (08/01/2024)
Bí quyết để có một gia đình Thánh (29/12/2023)
Chúa vẫn bên con (29/12/2023)
Hang đá Bêlem và những dấu chỉ (23/12/2023)
Để Thiên Chúa ở cùng chúng ta (23/12/2023)
Loan báo con đường hy vọng (02/12/2023)
Hãy tỉnh thức (24/11/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log