Suy tư - Chia sẻ

Tình yêu lớn hơn tội lỗi

Cập nhật lúc 10:20 04/11/2016
con người thường quan niệm với nhau rằng: những người giàu có thì khinh dể kẻ nghèo khó, người nghèo thì chống lại người giàu, người thánh thiện thì khinh chê người tội lỗi…
     Bởi thế, con người thường thì hai thái cực ấy khó dung hoà được với nhau. Người Do thái xưa kia đôi khi cũng hiểu và nói về Thiên Chúa như nói về một người phàm, với những yêu, ghét, giận hờn… Họ khó quan niệm được một Thiên Chúa toàn năng, thánh thiện, luôn yêu thương và cứu vớt kẻ có tội. Thế nhưng, chúng ta đọc lại trong Kinh Thánh và nhất là nhìn vào cuộc sống của Đức Giêsu Nazaret ta thấy khác hẳn với quan niệm của người Do thái đó là: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Bởi vì,Thiên Chúa luôn luôn thương xót hết mọi người, mọi loài hiện hữu và xử khoan dung, vì mọi loài đều là của Chúa (Kn 11,23-26). Lời Chúa ngày hôm nay đã khẳng định với chúng ta về tình yêu thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy luôn hướng về những người tội lỗi, những người sống bên ngoài xã hội và bên lề tôn giáo.

     1. Thiên Chúa đã thương yêu dân Ixraen

Dân Do thái đã biết đọc lại lịch sử dân tộc của mình để khám phá ra một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân riêng của Ngài: từ biến cố Apraham nghe theo tiếng gọi của Thiên Chúa, để rời bỏ quê cha đất tổ, lao mình vào một cuộc phiêu lưu không biết đâu là bến bờ, đến ngày Môisê được giao trách nhiệm cứu thoát dân riêng mình khỏi ách nô lệ Ai Cập. Bàn tay yêu thương của Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với dân qua các vua, qua sự giảng dạy của các ngôn sứ. Lịch sử của Ixraen là những trang tình sử nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với dân tộc của Người. Không có người Ixraen nào lại nghi ngờ tình yêu thương của một Thiên Chúa duy nhất đối với chính họ hay dân tộc của họ.

    2. Thiên Chúa yêu thương hết mọi dân tộc, hết mọi người và nhất là người tội lỗi

     Thiên Chúa không chỉ yêu thương một dân Ixraen mà thôi, trái lại Người là Thiên Chúa yêu thương hết mọi thụ tạo, hết mọi dân tộc, hết mọi người, không phân biệt dân riêng hay dân ngoại, da vàng hay da trắng, da đen, tội nhân hay đạo đức. Bởi vì nguyên lý và nền tảng của Tình yêu Thiên Chúa không phải là do tình trạng xứng đáng hay bất xứng của con người. Nguyên lý và nền tảng của Thiên Chúa đối với các thụ tạo là chính Thiên Chúa, là bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Giai đoạn mạc khải Cựu Ước chỉ là giai đoạn mở đầu, giai đoạn chuẩn bị cho một giai đoạn tiếp theo hoàn hảo hơn. Con người phải được chuẩn bị để tiếp nhận mạc khải ấy cũng như để đón nhận vị sứ giả có một không hai là chính Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.

    Qua đời sống trần thế của Đức Giêsu Nazaret, chúng ta thấy rõ Đức Giêsu đã dành tấm lòng yêu thương, ưu ái cho những người mà xã hội coi thường: Chúa đã chọn những người nghèo để nhập thế và mang nếp sống giai cấp của họ; Chúa đã làm bạn với người thu thuế và người tội lỗi một cách công khai; Chúa đã cứu chữa những người tật nguyền phong cùi; Chúa đã cứu chữu những người nghèo, người ngoại và hình ảnh ông Giakêu trong Tin Mừng ngày hôm nay là một điển hình. Trong bốn Phúc Âm chúng ta đã gặp rất nhiều những khuôn mặt méo mó đã được trả lại vẻ đẹp, chúng ta cũng thấy nhiều tâm hồn tan nát đã được ban đầy sức sống mới… Công trình cứu độ là tình yêu thương của Thiên Chúa không bị chi phối bởi sự trong sáng hay không trong sáng nơi lý lịch của con người. Trái lại, những tâm hồn tội lỗi và khô khan nguội lạnh lại được Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa. Điều cần thiết trước nhất là chúng ta dám mạnh dạn tin tưởng và tiến lại gần tình yêu thần linh vô vị lợi của Thiên Chúa. Và chúng ta nên cảnh giác: bao lâu chúng ta tưởng mình đã là người khoẻ mạnh, đã là người đạo đức thánh thiện thì lúc đó coi chừng ta khước từ chính tình yêu của Thiên Chúa đang nâng đỡ chúng ta qua từng giây phút.

3. Gặp Đức Giêsu là cuộc đời được biến đổi.

     Được Lời Chúa soi sáng, chúng ta có một hiểu biết đầy đủ hơn. Và trách nhiệm của chúng ta là phải biết tìm đến gặp cho bằng được Đức Giêsu là vị Thầy thuốc từ trời xuống. Nếu thực sự chúng ta gặp được Chúa như Giakêu, thì thế nào đời sống chúng ta cũng sẽ được đổi mới, tội lỗi chúng ta sẽ được xoá sạch và lòng chúng ta sẽ trở nên thanh bạch hơn. Càng gặp gỡ Chúa bằng một tâm hồn yêu mến thì chúng ta càng được biến đổi. Nếu chung quang chúng ta có bao người vẫn mang nếp sống ích kỷ thì đó là dấu chỉ họ chưa gặp gỡ được Đức Giêsu Kitô. Có thể họ là những linh mục hay tu sĩ đang sống lời khấn vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh. Có thể là những Kitô hữu đang lặn lội giúp đỡ phục vụ tha nhân… nhưng nếu cuộc sống của họ không thể hiện được một thay đổi từ trong con tim, thì đó là dấu chứng họ chưa găp được Đức Giêsu Kitô thực sự. Bởi vì bất kỳ một cuộc gặp gỡ nào với Đức Giêsu đều được phát sinh một hiệu quả là thay đổi cuộc sống.

     Vì vậy, Thiên Chúa luôn yêu thương không chỉ dân riêng của Ngài mà là yêu thương tất cả chúng ta, qua người con chí ái là Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Tình yêu đó Giakêu trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra nơi Đức Giêsu Kitô đang hiện diện nơi trần thế này. Cuộc đời của chúng ta đã là một hành trình dài tiến về quê hương Nước Trời, nhưng trên hành trình đó chúng ta đã một lần thực sự ao ước được gặp gỡ Chúa như Giakêu hôm nay hay không? Giakêu đã leo lên cây để tìm Chúa. Thế nhưng, Chúa đã bảo ông xuống dưới đất để gặp Chúa. Bởi vì, chúng ta đi tìm Chúa không phải ở trên mây hay một nơi cao thẳm nào đó mà không gặp được Chúa. Chúng ta được mời gọi tìm gặp Chúa trong những con người nghèo, những con người bị xã hội coi thường ngay trong cuộc sống bằng chính tình yêu của Đức Giêsu Kitô.

 
Gioan Phaolô Nguyễn Văn Trí, VDP
Thông tin khác:
Đức Mẹ là Nữ Vương của trái tim tôi (03/11/2016)
Lời nguyện cầu thống hối (02/11/2016)
Sự cần thiết của việc cầu nguyện (20/10/2016)
Ở biên giới sự chết tôi đang thấy gì (19/10/2016)
Xin ban thêm lòng tin cho chúng con (11/10/2016)
Những cảm nghiệm của một người cao tuổi (10/10/2016)
Đức mẹ nhắn nhủ tôi về ngày 13 tháng 10 năm nay (05/10/2016)
Sống đồng cảm, xót thương và liên đới (28/09/2016)
Hy vọng về tương lai Hội thánh quê hương (26/09/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log