Gương điển hình

Một linh mục hết lòng vì dân

Cập nhật lúc 17:37 08/07/2013
Linh mục Phạm Văn Hứa (giáo xứ Vạn Căn - hạt Ngàn Sâu, thuộc xã Hà Linh – Hương Khê – Hà Tĩnh) được ví như người cha đã khai sinh ra làng Vạn Căn mới.


Linh mục Phạm Văn Hứa

Trận “đại hồng thủy” năm 2010 đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở huyện Hương Khê, khi đó làng Vạn Căn là vùng thấp trũng nên bị thiệt hại rất nặng nề. Đã bao đời phải chịu gian truân mỗi khi mùa mưa lũ đến nhưng nay họ đã thoát bởi 58 hộ dân của làng đã theo linh mục Hứa làm cuộc “di căn” chuyển lên đồi Cơn Lá. Từ đây cuộc sống của bao người đã đổi thay.
          Chúng tôi đến làng Vạn Căn vào một ngày nắng như đổ lửa nhưng không khí phấn khởi của người dân nơi đây đã xoa dịu đi phần nào cái nắng của vùng núi giữa hè. Dù bận bịu với việc chuẩn bị cho khánh thành nhà thờ của giáo xứ nhưng linh mục Phạm Văn Hứa vẫn dành thời gian đón tiếp chúng tôi. Cuộc tiếp xúc đã giúp tôi kiểm chứng được những gì cán bộ và nhân dân xã Hà Linh nói về vị linh mục này là hoàn toàn đúng.
          Khi được cử về công tác tại làng Vạn Căn cũ (ở xóm 14 xã Hà Linh), ông Hứa “nản” lắm vì dân ở đây luôn phải quẩn quanh với đói nghèo, bao nhiêu của nải đều theo nước trôi đi, nhất là trận lũ năm 2010. Muốn đưa dân thoát nghèo thì theo ông Hứa trước hết phải có “địa lợi”, đồi Cơn Lá (ngày xưa cha ông gọi là đồi Cồn Đá) chính là lựa chọn của ông. Nhận thấy đề án di dời dân “rốn lũ” Vạn Căn của linh mục lên đây là quá hợp lý, chính quyền xã Hà Linh đã báo cáo lên cấp trên và nhanh chóng thực hiện. Tháng giêng năm 2011, 58 hộ dân đã theo chân linh mục lên đồi Cơn Lá.
          Ông Nguyễn Đình Manh – chủ tịch MTTQ xã Hà Linh cho biết: “Người dân bắt đầu xây dựng lại cuộc sống ở địa điểm khác với bao khó khăn, vất vả khi của cải chẳng có gì đáng giá. Nhà nước đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình 10 triệu đồng, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã giúp dân di dời lên vùng đất mới, giúp dân ổn định cuộc sống. Trong cuộc di dời này có vai trò rất lớn của cụ Hứa vì cụ không chỉ xin đất, xây dựng đề án mà còn kêu gọi các tổ chức, đơn vị ủng hộ thêm cho các hộ…”.
          “Tôi không nhớ tổng số tiền đã kêu gọi ủng hộ cho 58 hộ lần đó là bao nhiêu, có sổ sách ghi chép nhưng giờ không có thời gian để lục lại, tôi chỉ nhớ hộ nhiều nhất là được 45 triệu đồng, ít nhất là 25 triệu, nhiều hộ được 30 triệu. Khi lên đây thì vườn không, nhà cũng không nhưng giờ thì nhà nào cũng khang trang, sạch, đẹp. Nhà thờ của giáo họ Vạn Căn làm hết 5 tỷ đồng nhưng người dân không phải đóng góp đồng nào, chỉ có bỏ công, nuôi thợ thôi vì họ mới lên đây có gì mà góp chứ…”, linh mục Hứa chia sẻ với pv báo Đại Đoàn Kết.
          Đối với linh mục Hứa, việc đạo và việc đời luôn được ông thực hiện trọn vẹn, phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Ông luôn tận tụy, hết lòng với nhân dân, người dân sướng thì lòng ông vui và ngược lại. Ông không hề phân biệt giáo hay lương, mỗi khi quyên góp được nguồn hỗ trợ ông phân phát cho cả giáo dân và lương dân, đặc biệt là học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Khi được hỏi về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ông nhận định đó là sự thường, sửa đổi để phù hợp với hiện nay là điều cần thiết và ông không phản đối điều gì.
          58 hộ dân di dời lên đồi Cơn Lá, cộng với 16 hộ khác mới lên sáp nhập với các hộ dân của xóm 12 cũ, hiện nay xóm đã có 136 hộ với 95% là giáo dân, 75% gia đình văn hóa, điều đó chứng tỏ đời sống văn hoá tinh thần của bà con hết sức tốt đẹp. Sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau đã giúp nhân dân vượt qua bước đầu gian nan, cuộc sống đã dần dần đổi thay. Mùa mưa lũ lại sắp cận kề nhưng những hộ dân làng Vạn Căn năm xưa đã phần nào yên tâm hơn.
          Tuy nhiên, nỗi băn khoăn lớn nhất của linh mục Hứa cũng như bà con nơi đây chính là con đường của xóm, hệ thống nước sạch và các công trình vệ sinh. Ông Lê Văn Thu, xóm trưởng xóm 12 chia sẻ: “Bà con đã hiến đất, hiến cây để mở những con đường rộng rãi nhưng vẫn lầy lội mỗi khi mưa xuống, nhu cầu nước sạch của dân rất bức thiết do họ không có tiền để khoan giếng vì đây là đất đồi nên phải khoan sâu mới có nước, ngoài ra các hộ đã dồn hết tiềm lực để xây nhà nên giờ hầu hết các công trình vệ sinh vẫn chưa đảm bảo”.
 
Hạnh Nguyên
Thông tin khác:
Người giáo dân khéo dân vận (01/07/2013)
Trưởng đài truyền thanh xã gần 20 lần hiến máu (17/06/2013)
Đồng bào Công giáo Nghĩa Hạ chung tay xây dựng nông thôn mới (12/06/2013)
Một giáo dân làm trưởng ấp gần 20 năm liền (08/06/2013)
Nick Vujicic - Người khuyết tật thắp sáng nghị lực sống (30/05/2013)
Giáo dân Phúc Thành tích cực xây dựng nông thôn mới (16/05/2013)
NGƯỜI GIỮ LỬA HẠNH PHÚC TRONG MỘT GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO GƯƠNG MẪU (04/05/2013)
Nhột quá! (26/03/2013)
Hiệp Hòa khởi sắc (25/03/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log