So với các làng biển khác trên địa bàn tỉnh, thì nghề đi biển ở Quảng Xuân và các dịch vụ nghề cá chưa thực sự phát triển, ngoài nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư mua sắm các loại tàu thuyền công suất lớn đánh bắt ở những ngư trường lớn, trước đây các sản phẩm thủy, hải sản do người Xuân Hoà làm ra chủ yếu bán thô cho thương lái với giả cả tương đối rẻ, nên thu nhập của ngư dân còn thấp. Nhằm giúp bà con ngư dân làng biển quê mình có nơi bao tiêu các mặt hàng thủy hải sản để tăng thêm thu nhập, năm 2007, 20 hộ gia đình làm nghề biển làng Xuân Hòa đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang, với số vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. So với các hợp tác xã chế biến thủy hải sản khác trên địa bàn tỉnh, thì các xã viên góp vốn tham gia Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang, đều là những ngư dân nghèo, có nhiều đời làm nghề đi biển. Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng khu nhà xưởng có diện tích 3.975m2 và mua sắm lò sấy cá khô, xây dựng 400 bể ngâm ủ cá sản xuất nước mắm, 200 bể ngâm ủ sản xuất mặt hàng ruốc…
Với phương châm sản xuất kinh doanh “Thu mua nguyên liệu đầu vào giá cả hợp lý, sản phẩm đầu ra đảm bảo uy tín, chất lượng”, hàng năm, Hợp tác xã đã thu mua phần lớn trữ lượng các sản phẩm thủy hải sản do ngư dân làng biển Xuân Hoà làm ra với giá cả hợp lý, được bà con đồng tình cao. Do phần lớn tàu thuyền đánh cá ở Xuân Hoà hoạt động đánh bắt ở ngư trường nhỏ, chủ yếu đi về trong ngày, nên thủy, hải sản cung cấp cho Hợp tác xã luôn tươi và đảm bảo chất lượng, các mặt hàng như nước mắm, cá khô, ruốc do Hợp tác xã Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang sản xuất ra vì thế được thị trường và người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, các sản phẩm của Hợp tác xã còn có mặt ở thị trường nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung. Năm 2010, các sản phẩm của Hợp tác xã Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Cúp vàng sản phẩm chất lượng và Giải thưởng Trâu vàng Đất Việt 2010…
Chị Hoàng Thị Phiếu, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang cho biết: Với quy mô chế biến 400 bể, mỗi bể chứa 2 tạ cá nguyên liệu, bình quân, mỗi năm, Hợp tác xã thu mua của ngư dân trên 80 tấn cá và sản xuất được 40 ngàn lít nước mắm đảm bảo chất lượng, đưa về tổng doanh thu 880 triệu đồng; 200 bể sản xuất ruốc, mỗi bề chứa 3 tạ nguyên liệu, thu mua mỗi năm 60 tấn nguyên liệu và sản xuất được 60 tấn ruốc thành phẩm, cho thu nhập 900 triệu đồng...Ngoài ra, hàng năm, Hợp tác xã còn thu mua của bà con ngư dân trên 10 tấn cá khô, chế biến và xuất ra thị trường, đưa về doanh thu trên 1 tỷ đồng…
Nhờ có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo và thị trường tiêu thu ổn định, ngoài giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho các xã viên, Hợp tác xã Chế biến thủy hải sản Hoà Vang còn tạo thêm công ăn, việc theo mùa vụ cho 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với ngày công khá cao 80 ngàn đồng/người/ngày…Hình thành và phát triển ở một làng biển còn nghèo, còn không ít khó khăn, thiếu thốn, nhưng với mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế, Hợp tác xã Chế biển thủy hải sản Hòa Vang đang dần khẳng định vai trò là “bà đỡ” tin cậy cho ngư dân nghèo làng biển.