Gương điển hình

Công giáo nơi cộng đồng người H’Mông

Cập nhật lúc 10:17 08/09/2023
Người H’Mông là một trong những dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào sống quần cư và canh tác gần những khu đất ở, điều đó tạo nên một mối liên hệ gần gũi trong cộng đồng người dân ở các bản làng. Từ khi một bộ phận người H’Mông ở Lào Cai đón nhận đức tin Công giáo đã làm thay đổi căn bản đời sống tâm linh của họ
Người Công giáo H’Mông hát thánh ca tại nhà nguyện giáo họ Ngọn Lành.
Người Công giáo đân tộc H’Mông hát thánh ca tại nhà nguyện giáo họ Ngọn Lành.

Công giáo được truyền vào cộng đồng người H’Mông ở tỉnh Lào Cai vào những năm 20 của thế kỷ XX. Đến nay, sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Một thời gian dài (1948-1989), cộng đồng người H’Mông theo Công giáo ở Lào Cai không phát triển, suy giảm về số lượng, lâm vào tình trạng “khô đạo, nhạt đạo”, thậm chí một số người đã bỏ đạo. Một mặt, cũng do hoàn cảnh chiến tranh, giao thông đi lại khó khăn, mặt khác, là tình trạng thiếu linh mục coi sóc suốt thời gian dài, nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ xuống cấp,… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhịp sống Công giáo đã bắt đầu có chỗ đứng nhất định trong một bộ phận người dân tộc H’Mông theo đạo. Ngoài việc gia tăng tự nhiên, tăng cơ học, số người mới gia nhập đạo ngày càng nhiều, đức tin Công giáo đã làm thay đổi căn bản đời sống tâm linh của họ, từ thờ đa thần sang thờ độc thần, từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo mới. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người H’Mông theo Công giáo ở Lào Cai có khoảng 9.314 tín hữu, sinh hoạt tôn giáo chủ yếu ở giáo xứ Sa Pa và giáo xứ Lào Cai, một số ít ở giáo xứ Mường Khương, chuẩn xứ Văn Bàn, giáo họ, giáo điểm. Riêng giáo xứ Sa Pa (năm 2021) có 2.300 nhân danh, trong đó gần 300 người thuộc giáo họ sở tại Sa Pa là người Kinh, còn lại gần 800 người thuộc giáo họ Hầu Thào, hơn 700 người thuộc giáo họ Lao Chải và khoảng 500 người thuộc giáo họ Thôn Lý đều là người dân tộc H’Mông.. Bà con ở đây phần lớn là nông dân, họ có đức tin rất sâu sắc và luôn trung thành với Giáo hội. Người H’Mông theo đạo không chỉ biết đến một tôn giáo mới với giới răn, giới luật khá nghiêm ngặt tạo ra lối sống mới hiện đại như: hôn nhân một vợ một chồng, cấm rượu chè, cờ bạc bê tha… nhưng còn là cơ hội hầu được thấm nhuần sâu sắc tình yêu thương tha nhân đồng loại trong đời sống đức tin Công giáo. Đây cũng chính là sự hội nhập của Công giáo vào văn hóa dân tộc, là sự “nhập thế” của Công giáo vào đời sống tâm hồn người có đạo.
 
Tuy còn khó khăn, vất vả nhưng đời sống đạo của bà con người H’Mông khá sốt sắng
Tuy còn khó khăn, vất vả nhưng đời sống đạo của bà con người H’Mông khá sốt sắng
Vẫn biết rằng, Công giáo được du nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai tương đối muộn so với các địa bàn khác ở khu vực miền núi phía Bắc. Ngay từ buổi đầu các thừa sai Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) đã nhiệt thành rao giảng Lời Chúa đến với các bản làng người H’Mông dần họ tin theo đạo Chúa, đồng thời cũng gắn với sự hiện diện của người Pháp trong quá trình khai phá miền đất Lào Cai; sự kiên trì, bền bỉ của các nhà truyền giáo, bằng nhiều cách thức linh hoạt, một bộ phận người H’Mông đã đón nhận đức tin Công giáo như một sự “cải đạo” tích cực, thực hiện đời sống đạo thuần túy, không có các hoạt động mê tín dị đoan nơi họ. Ngày 14/9/2019, Đức Giám mục Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục giáo phận Hưng Hóa đã thiết lập 2 chuẩn xứ tách ra từ giáo xứ Sa Pa, đó là chuẩn xứ Hầu Thào và chuẩn xứ Lao Chải. Để thuận lợi cho việc tổ chức mục vụ, ngày 01/02/2021, giáo xứ tiếp tục đề nghị Đấng bản quyền giáo phận chia tách thêm chuẩn xứ Sử Pán. Hiện nay, các chuẩn xứ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, cơ sở vật chất còn thiếu thốn… nên cần nhiều thời gian để ổn định những sinh hoạt và hướng tới việc trở thành giáo xứ trong lương lai, để chung sức, góp phần cùng với địa phương, xây dựng một xã hội tốt đẹp theo những chuẩn mực giá trị của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô nơi vùng ngoại biên.
Là khu vực có nhiều anh em dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu là người Thái, H’Mông, Dao, Tày, Hà Nhì… nhưng chỉ có anh em dân tộc H’Mông chiếm đa số tỉ lệ người Công giáo, còn các anh em dân tộc thiểu số khác hầu như rất ít. Đây quả là một thách đố rất lớn với công tác truyền giáo. Trong bối cảnh Lào Cai là tỉnh biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là địa bàn nằm trong khu vực truyền giáo của giáo phận với việc khôi phục lại các giáo điểm ở cộng đồng H’Mông trước đây từng theo đạo, chắc chắn số tín hữu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Nguyễn Văn Thuyên
Thông tin khác:
Kết quả phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong phát triển kinh tế - xã hội khẳng định vị thế UBĐKCGVN (08/09/2023)
Hoạt động của UBĐKCG tỉnh, thành phố góp phần đẩy mạnh phong trào Công giáo yêu nước (08/09/2023)
Đức Cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn vị Giám mục ái quốc nhiệt thành (05/09/2023)
Người Công giáo cả nước bày tỏ tin tưởng, hưởng ứng hoạt động UBĐKCG Việt Nam (29/08/2023)
Một nhà thờ đẹp, một tâm hồn đẹp (26/08/2023)
Linh mục Gioankim Đặng Đức Tuấn là tiếng nói của người Công giáo Việt Nam “trọn niềm kính Chúa, trọn niềm ngay vua” (18/08/2023)
Hoạt động nhiệm kỳ I khẳng định vai trò vị thế UBĐKCGYN Việt Nam (18/08/2023)
Đại hội Công giáo toàn quốc lần thứ II (18/08/2023)
Nghi Phú trên đà xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp (03/08/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log