Tưng bừng trống hội tại lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Ảnh: An Luých
7 giờ 30 phút, âm thanh hào hùng của trống hội, của cồng, chiêng và dàn quân nhạc đã làm nóng không gian vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội). Sau hiệu lệnh mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, nghi lễ thắp lửa thiêng bắt đầu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng mở màn lễ khai mạc. Sau màn thắp lửa thiêng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, lãnh đạo Thành phố đã làm lễ dâng hương dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ trong không khí trang nghiêm và linh thiêng giữa trời đất Thủ đô nghìn năm tuổi. Ngay sau đó là lễ chào cờ rất trang nghiêm.Bà Ngô Thị Thanh Hằng Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giới thiệu đại biểu, gồm các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các vị lão thành Cách mạng và nhiều vị khách quốc tế.
Tiếp đến, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn khai mạc Đại lễ Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Diễn văn đã ôn lại lịch sử của Thủ đô từ khi vua Lý Thái Tổ chọn đất Thăng Long làm nơi định đô, thành Đại La vốn được thế rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi… Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời. Cuộc dời đô lịch sử về châu thổ sông Hồng khẳng định xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt.
Lịch sử 1000 năm Thăng Long- Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích oai hùng, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nước Đại Việt không ngừng lớn mạnh. Truyền thống oai hùng của Thăng Long - Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không... Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm luôn hòa quyện với sức mạnh vô biên của lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình.
Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, đua tài góp sức của biết bao khối óc con tim, những con người tài hoa, sang tạo; là nơi tập trung những anh hùng hào kiệt lưu danh cùng sông núi, lắng đọng những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam, kết hợp với giá trị văn hóa, văn minh nhân loại. "Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc, với những áng văn bất hủ, mang hào khí dân tộc như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Tuyên ngôn độc lập", đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Hà Nội hiện nay gồm 29 quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường với diện tích 3344 km2, dân số hơn 6,5 triệu người, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn. Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Thành phố đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về mọi mặt, xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa…
Sau phát biểu của đồng chí Phạm Quang Nghị, bà bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam bước lên sân khấu trao bằng chứng nhận Trung tâm hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới cho Việt Nam, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đại diện cho Việt Nam lên đón nhận. Nghi lễ trao bằng diễn ra trong niềm tự hào và là sự ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của rất nhiều người gắn bó với khu di sản thế giới này. Bà Irina Bokova nói: “Đại lễ này thể hiện sự kính trọng sâu sắc của chúng ta với tổ tiên, những người có công dựng nước và giữ nước. Việc đầu tư công sức và chỉnh trang đường phố và sự có mặt của người dân trong đại lễ hôm nay là minh chứng cho sự gắn bó của các bạn với quá khứ huy hoàng và xem đó như ngọn đuốc soi đường cho tương lai”. Bà cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ Hà Nội đã gìn giữ tốt di sản thế giới qua nghìn năm lịch sử: "Rất ít nước giữ được di sản qua nghìn năm mà không bị mai một theo thời gian, tôi ngưỡng mộ các bạn. Trung tâm Hoàng thành được chứng nhận là một vinh dự song cũng là một cam kết của các bạn. Các bạn có trách nhiệm với nhân loại, bảo vệ, quảng bá di sản này cho các thế hệ tương lai". Theo bà Irina Bokova, “Không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là năm nay là năm quốc tế của liên hợp quốc về tình hữu nghị giữa các nền văn hóa do UNESCO khởi xướng”.
Chứng kiến những thay đổi của Hà Nội, Việt Nam, bà Irina Bokova đánh giá: “Bất cứ ai đến Việt Nam cũng choáng ngợp bởi nền kinh tế năng động và những công trình xây dựng, với những con đường, những cây cầu, những tòa nhà chọc trời mọc lên nhanh chóng. Các bạn đang đảm nhận một trọng trách đầy thách thức trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đảm bảo sự thịnh vượng cho một khu vực được coi là tương lai của thế giới. Điều này cũng khẳng định sự vượt trội chung của các bạn”.
Tiếp sau phát biểu của bà Irina Bokova, 1000 con chim bồ cầu từ một quả địa cầu đặt tại sân khấu được thả tung bay lên bầu trời thể hiện khát khao hòa bình của Hà Nội. Cuối cùng là chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ với màn trình diễn Dời đô ngàn năm vang mãi của ca sỹ Trọng Tấn cùng dàn hợp xướng. Ca khúc Người Hà Nội vang lên trong niềm tự hào, niềm hoài niệm về một Hà Nội xưa. Các thiếu nữ mặc áo dài với những gánh hàng hoa tái hiện hình ảnh người Hà Nội thanh lịch và duyên dáng. Các chàng trai cảm tử quân làm sống lại không khí hào hung, oanh liệt của Hà Nội.
Tại 5 sân khấu đặt xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, các tiết mục văn nghệ cũng đồng loạt thể hiện trước sự quan tâm của hàng nghìn người dân. Hà Nội thực sự vào ngày hội lớn với những khuôn mặt rạng ngời, những phố phường ngợp cờ hoa và những vị khách quốc tế mải mê cảm xúc của phố phường và lòng người Hà Nội.