Suy tư - Chia sẻ

Ơn cứu độ được ban trong Đức Giêsu Kitô

Cập nhật lúc 15:38 23/06/2015
Ơn cứu độ luôn luôn cần thiết cho con người để rồi cho dù cái chết có xâm nhập thế gian nhưng con người sẽ không bị lôi kéo về với cái chết.
Nếu như có niềm tin tưởng vào Chúa con người khi đứng ở trong trần gian này thì nhận ra Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng minh chứng về chính mình cho loài người qua các thọ tạo. Hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ thuở tạo thiên lập địa, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ loài người. Sau khi tổ tông sa ngã, bằng lời hứa ban ơn cứu độ và không ngừng chăm sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai có lòng ao ước đón nhận ơn cứu độ bằng con đường khát khao tìm kiếm và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Bởi vì, sự dữ thì luôn đem đến cho người cái chết trong tội lỗi.
Thiên Chúa thì không bao giờ muốn con người sống trong tội lỗi và mất ơn cứu độ “vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1, 13). Nếu con người hướng về sự dữ thì xa cách với tình yêu Thiên Chúa. Tiếng nói của tâm hồn thì luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thực thi điều tốt để được cứu độ, là hãy làm điều này và tránh điều kia, đó là lề luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong tâm hồn.
Từ bên trong tâm hồn, niềm tin của ông Giaia đã nhận ra Chúa khi “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người” (Mc 5, 22). Cử chỉ đó là thái độ của những ai đến và cầu khẩn Người (Mc 1, 40; 7, 25); hay là nhận ra Người là Đấng Thiên Sai (Mc 10, 17). Tất cả cũng là thể hiện niềm tin rằng Chúa sẽ làm cho con gái ông được sống. Đức tin thì giúp vượt thắng những rụt rè và nhút nhát. Nhờ tin mà người đàn bà bị băng huyết đã chế ngự được nỗi sợ hãi, sợ vì người ta cho là ô uế, nỗi sợ khi đám đông nhận ra bà. Niềm tin đã giúp cho bà nhận ra một năng lực có thể chữa bệnh và cho sống lại của Chúa Giêsu còn mạnh hơn những nỗi sợ hãi kia. Một niềm tin mạnh mẽ như những người dám dỡ mái nhà, đưa người bất toại đến để tìm cho được lòng tốt của Chúa Giêsu (Mc 2, 1-2); như người trộm lành đã xin lòng thương xót của Chúa khi bị treo trên Thánh giá (Lc 23, 42).
Chúa Giêsu đã dùng việc chữa lành bệnh để mở ra một cho chúng ta một sứ điệp, đó là việc Người làm còn vượt xa hơn việc chữa lành thể xác. Bà bị băng huyết, trong Tin Mừng đã không lầm lẫn khi hy vọng rằng “tôi mà sờ được vào áo choàng Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5, 28). Một thành phần bị quên lãng và bị khinh bỉ sau đám đông đó là những người mà Chúa Giêsu đã quan tâm đến. Đối với Chúa, bà là một người cũng có phẩm giá của một con người. Cuối cùng, Người nói với bà “này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi bệnh” (Mc 5, 34). Lời chúc ấy như là một món quà của đức tin vững mạnh.
Từ đó khi soi chiếu lại đức tin của mình, chúng ta đã tin vào Chúa như thế nào qua những nỗi khổ đau về thể lý cũng như tin thần? ơn cứu độ của Chúa, chúng ta đã đón nhận như thế nào? Phải chăng chỉ là những hình thức bên ngoài để chúng ta che đậy đức tin yếu kém của mình không bằng một bà già đã sống trong căn bệnh băng huyết đã mười hai năm? Để thể hiện đức tin, chúng ta luôn sống với sự quảng đại không phải về vật chất nhưng là về tình yêu thương đối với những con người nghèo, mà Đức Kitô đã tự nguyện sống nghèo để cho chúng ta được giầu sang trong ân sủng của Chúa: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).
Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta thấy đức tin có nhiều cấp độ khác nhau. Đầu tiên là đức tin sơ khai của ông Giaia lúc mới đến gặp Chúa Giêsu. Bất lực trước cái chết của con gái, ông đi tìm Chúa Giêsu vì nghe rằng Người có một quyền năng nào đó, thứ đến là đức tin tính toán, vụ lợi, của người  đàn bà đã lách qua đám đông để đến bên Chúa Giêsu, mong ăn cắp được sức mạnh kỳ diệu từ nơi Người, nhưng rồi khi bị phát giác, đức tin của bà tiến lên cao hơn, trở thành một cuộc gặp gỡ, đối thoại, tương giao với Chúa Giêsu; và sau cùng là đức tin trọn vẹn của Giaia tin vào Đấng phục sinh được kẻ chết sống lại.
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, hình như đức tin cũng vượt qua các cấp độ đó. Đầu tiên chúng ta đã tin vào Thiên Chúa vì thất vọng trước sức của con người. Vì tự bản năng, chúng ta cảm thấy phải bám víu, cầu khẩn một Đấng tối cao. Rồi tới khi biết được quyền năng của Thiên Chúa, thấy bao kỳ công Ngài đã làm trong lịch sử, qua Thánh Kinh, ta lại có khuynh hướng lợi dụng Ngài, giữ đạo là chỉ mong được muôn ơn phúc hồn xác và bất mãn khi gặp thất bại hoạn nạn. Dần dần đức tin ta được thanh lọc, biến thành một cuộc gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa, gắn bó vào Ngài trải qua mọi thử thách. Nhưng rồi phải tiến lên cao hơn nữa, biến thành đức tin vào sự phục sinh, tin rằng dù bề ngoài có vẻ như tan vỡ, tận diệt, vẫn có một đời sống mới cả hồn lẫn xác chờ ta bên kia thế giới, bên kia cái chết, bên kia thời gian, tin rằng Thiên Chúa có quyền năng đổi mới mọi sự cho ta và chúng ta nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô.
Tu sĩ Phêrô Thập Tự Ân
Thông tin khác:
Giới thiệu nước thiên Chúa (10/06/2015)
Giao ước tình yêu (02/06/2015)
Niềm vui Phục sinh (03/04/2015)
Nguồn gốc tháng thánh Giuse (20/03/2015)
Đức Giêsu là đền thờ đích thực của Thiên Chúa (06/03/2015)
Giáo dục con cái sống Mùa Chay (04/03/2015)
Tín thác theo Chúa (28/02/2015)
Hành trình hoán cải (20/02/2015)
Nước trời là nơi tình yêu hiện diện (14/02/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log