Suy tư - Chia sẻ

Chúa ở cùng anh chị em

Cập nhật lúc 08:55 08/07/2016
Một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc đời linh mục của tôi, đó là lời chào chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”, mà tôi gởi đến cộng đoàn mỗi ngày nhiều lần.
1. Tôi thụ phong linh mục ngày 02/7/1955. Thế là tuổi linh mục của tôi nay đã 61 năm rồi.
Nhìn lại quãng đời dài đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc đời linh mục của tôi, đó là lời chào chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”, mà tôi gởi đến cộng đoàn mỗi ngày nhiều lần.
Hôm nay, ở đây, tôi xin chia sẻ đôi chút về hạnh phúc tuyệt vời đó.
2. Tôi chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em” một cách công khai, nhiều lần nhất là trong thánh lễ, và cũng nhiều lần một cách âm thầm trong những tiếp xúc thường ngày.
Khi chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em”, thường là dịp tôi trở về nội tâm. Tôi tin Chúa hiện diện trong tôi. Chúa có tên là tình yêu thương xót, Đấng cứu độ trần gian. Người đang yêu thương tôi. Người đang dắt dìu tôi. Người đang chở che tôi. Người đang chia sẻ cho tôi sự sống của Người.
Tôi phó thác mình tôi cho Người. Tôi xin Người nuôi tôi bằng sự bình an của Người, sự khôn ngoan của Người, tình yêu của Người.
3. Tôi cảm thấy mình được đổi mới. Đổi mới nơi tôi là tôi có một cái nhìn mới về bản thân mình, đó là một cách nào đó, tôi được Chúa chia sẻ cho sức mạnh của tình yêu xót thương của Chúa.
Đổi mới nơi tôi là có một cái nhìn mới đối với những người tôi gặp và chào chúc. Họ cũng là những người được Chúa yêu thương. Họ cũng rất cần đến Chúa.
Về phía tôi, tôi cảm thấy mình được hạnh phúc vì có Chúa và được Chúa sai đi.
4. Khi được sai đi, mang lời chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em”, tôi biết là sự đón nhận lời chào chúc đó còn tuỳ ở sự tự do của mọi người. Trên thực tế, nhiều người đã không đón nhận. Tôi rất đau lòng. Nhưng tôi vẫn chấp nhận sự đau đớn ấy. Tôi phải phấn đấu nhiều lắm, để được luôn trung thành với sự sai đi của Chúa. Đó cũng là một hạnh phúc do đức tin và do tình yêu.
5. Ở đây, tôi xin nói thêm về hiện tượng không đón nhận lời chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em” đang phát triển mạnh.
 

ĐGMGB. Bùi Tuần chia sẻ Lời Chúa tại thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục và 60 năm linh mục của ngài (Ảnh: CTV)
 
6. Trước hết, sự chào chúc nói chung hiện nay đang trở thành một nghi thức xã giao bề ngoài, chứ bên trong nhiều khi rất trống vắng tình thương, thậm chí còn che giấu nhiều ác cảm, ác ý.
7. Sự chào chúc Chúa ở cùng người ta, đang trở thành một điều, mà rất nhiều người không còn trân trọng và mong muốn. Điều họ mong muốn và trân trọng trong mọi lời chúc là địa vị, là của cải, là thành công trong sự nghiệp. Khi lòng họ trân trọng và đi tìm những sự ngoài Chúa, thì họ dễ có thái độ dửng dưng với mọi hình thức muốn đem Chúa đến với họ.
8. Sự dửng dưng với mọi hình thức mang Chúa đến, để chỉ mặn nồng với mọi hình thức mang lợi riêng đến, đang phát triển một cách công khai trong nhiều lãnh vực tôn giáo. Chúa chỉ còn là một nhãn hiệu dán trên những nội dung không phải là ý Chúa.
9. Hiện tượng này khiến tôi nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,22-23).
10. Có một sự gian dối ngay trong khi nhân danh Chúa mà làm việc lành. Họ làm nhân danh Chúa, nhưng để theo ý riêng, tìm lợi riêng.
Theo kiểu nói của thánh Phêrô, thì những người như thế đã không phải là lừa dối người phàm, mà chính là lừa dối Thiên Chúa (x. Cv 5,5).
11. Nhiều khi tôi cũng sợ cho chính mình, nếu tôi cũng lại lừa dối mình, chứ không chỉ là lừa dối người khác và lừa dối Chúa. Chẳng hạn nếu tôi trên lý thuyết cho mình là từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, như Lời Chúa đòi hỏi, nhưng trên thực tế, tôi lại giữ lại quá nhiều hoặc bù trừ nhiều cách, nhất là giữ lại cái tôi. Trường hợp như thế không phải là hiếm, nếu tôi không tỉnh thức.
12. Tỉnh thức, đó là thái độ tôi cần có để lời chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em” được thực sự có chất lượng.
13. Với tỉnh thức, tôi sẽ cố gắng sống khiêm nhường, hiền lành, tế nhị khi chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em”.
Khiêm nhường là bảo đảm tốt nhất cho ơn được Chúa ở cùng. Đó là điều Đức Mẹ dạy tôi phải thực hiện trong việc đào tạo mình và đào tạo những kẻ muốn theo Chúa.
14. Do vậy, khi nói “Chúa ở cùng anh chị em”, tôi thường xin Chúa thương tha tội cho tôi và cho mọi anh chị em mà tôi chào chúc. Tôi nhìn Chúa là Đấng cứu độ.
Cùng với tâm tình sám hối, tôi cũng thường cảm tạ Chúa vì đã được nhiều người chào chúc cho tôi được gặp Chúa.
Tôi coi lời chào chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”, là một yếu tố tu đức rất cần cho mục vụ và truyền giáo. Chính lời chào chúc đó đã xây dựng cộng đoàn.
15. Hôm nay, để kỷ niệm 61 năm thụ phong linh mục, tôi chỉ xin nói lời chào chúc“Chúa ở cùng anh chị em” một cách đơn sơ chân thành.
Chào chúc mà là nhắn nhủ, mà là gởi gắm, mà là yêu thương.
Điêu tôi cầu mong nhất hôm nay khi chào chúc “Chúa ở cùng anh chị em” là chúng ta được thuộc trọn về Chúa, và luôn luôn vâng phục ý Chúa.
ĐGM GB. BÙI TUẦN
Thông tin khác:
Sứ giả bình an (06/07/2016)
Sống tinh thần đền tội (01/07/2016)
Tự do trong thần khí (27/06/2016)
Trao tác vụ yêu thương (23/06/2016)
Thầy là ai? (19/06/2016)
Một Chúa ba ngôi (21/05/2016)
Hãy nhận lấy Thánh Thần (14/05/2016)
Trước làn sóng khủng bố (04/12/2015)
Đi tới mục vụ của tình thương (30/11/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log