Văn hóa nghệ thuật

Nhà thờ Mằng Lăng

Cập nhật lúc 16:27 23/06/2015
Nhà thờ Mằng Lăng nằm ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là ngôi nhà thờ cổ kính, rất có giá trị về kiến trúc và lịch sử. Ngôi nhà thờ này được xếp hạng vào tốp 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.
Nhà thờ  cách Tuy Hòa 35km về phía Bắc và nằm giữa các giáo xứ Sông Cầu, Tuy Hòa, Đồng Tre và biển.
Theo ghi chép của linh mục Alexandre de Rhodes năm 1651 có viết địa danh Dinh Trấn Biên mà ông gọi là Dinh Rhoam, còn người dân gọi là thành cũ. Ngày nay Dinh Trấn Biên không còn nữa mà đã chìm dưới dòng sông Cái rồi. Vợ quan trấn thủ Trấn Biên là công chúa Ngọc Liên- chính là con gái của chúa Sãi Vương đã nhận Bí tích Rửa tội năm 1636 với tên thánh là Maria Madalena. Bà lập một nhà nguyện trong Dinh Trấn Biên và truyền giáo ra cộng đồng. Nhóm tín hữu đầu tiên ở đây ra đời.
Năm 1892, linh mục Joseph de la Cassaigne (tức Cố Xuân) khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng cho đến năm 1888 thì hoàn thành. Nhà thờ được xây dựng trong khuôn viên 5.000m2 theo kiến trúc gotich. Hai bên là hai tháp chuông vuông. Ở giữa là Thánh giá (ảnh trên).
Theo các bậc cao niên, sở dĩ nơi đây mang tên Mằng Lăng là vì trước đây là khu rừng có rất nhiều loại cây mằng lăng sinh trưởng. Loại cây này tán hình bầu dục, hoa nở chùm màu tím. Gỗ của cây mằng lăng rất quý vì chịu được mối mọt và khí hậu nóng ẩm như nước ta. Chính vì vậy, chúng bị khai thác tuyệt chủng. Cây gỗ này chỉ còn trông thấy qua chiếc bàn đường kính 1,50m ở trong nhà xứ Mằng Lăng.
Nhà thờ Mằng Lăng sơn màu xám giản dị. Mái nhà thờ lợp ngói. Nhà thờ có hành lang rộng xung quanh. Các cửa nhà thờ đều có chạm khắc tinh xảo và cầu kỳ. Các cửa kính màu vẽ hình Thánh giá. Trần nhà thờ lát gỗ đẹp. Bốn hàng cột vững chắc nâng đỡ mái nhà. Nhà thờ có lòng nhỏ gọn. Bàn thờ chính cũng đơn giản với tượng Chúa Giêsu. Hai bàn thờ phụ đặt tượng thánh Giuse và Đức Maria. Nhà thờ có sân rộng và chiếc cổng vững chắc với hai cây Thánh giá hai bên cột. Du khách thường chọn nhà thờ Mằng Lăng là địa điểm thăm quan.

Điều đặc biệt ở nhà thờ Mằng Lăng là khu hầm chân phước Anrê Phú Yên. Dưới gốc cây đa lớn và mấy gốc dừa là chiếc cửa hầm dẫn vào hang. Có khá nhiều hòn non bộ, nhũ đá nhân tạo làm du khách tưởng đang đi thăm một hang động nào đó. Khu hầm được chia làm 2 phần. Phòng trưng bày các di tích lịch sử. Đó là lọn tóc của chân phước Anrê Phú Yên, đã được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn mang từ Rôma về năm 2000.
Một hòm kính trưng bày cuốn sách “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Rôma. Cuốn sách này dày 319 trang chia làm 2 cột. Một bên là chữ Latinh, một bên là chữ Quốc ngữ. Đây là một trong bộ 3 cuốn sách khẳng định sự ra đời của một thứ chữ đã định hình được công bố với thế giới. Đó là chữ Quốc ngữ. Phòng thứ hai rộng hơn, đó là nhà nguyện á thánh Anrê Phú Yên (ảnh dưới). Chân phước Anrê sinh năm 1925 và gia nhập đạo năm 15 tuổi, lấy tên thánh là Anrê. Chàng thanh niên này rất nhiệt tình giúp đỡ linh mục A. Rhodes trong “Hội thày giảng”. Trong thời cấm đạo, Anrê bị bắt và kiên quyết không “phá khóa”. Cuối cùng, thày bị tuyên án xử trảm. Lý hình đã đâm thày nhiều nhát dao vào sườn rồi mới chặt đầu. Linh mục A. Rhodes muốn lót chiếu để hứng máu thánh nhân nhưng thày không cho vì muốn máu của mình thấm vào đất quê hương. Sau đó, linh mục A. Rhodes đã xin mang thi hài của Anrê sang Hồng Kông để an táng còn thủ cấp thì đem qua Rôma. Năm 2000, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Anrê Phú Yên lên bậc chân phước. Vị chân phước này đã được nhận làm quan thày các giáo lý viên và giới trẻ Việt Nam.
Cạnh nhà thờ Mằng Lăng còn có nhà chăm sóc trẻ em mồ côi và bị bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS hay chất độc da cam. Trung tâm này do các nữ tu Mến Thánh giá Quy Nhơn đảm nhận. 
 
Bích Hải
Thông tin khác:
Sổ tiết kiệm tình yêu (19/06/2015)
Triển lãm chuyên đề “Chum Chóe cổ” và “Lời Ru” (03/09/2014)
Bông hồng có gai (22/07/2014)
Túc cầu giáo (01/07/2014)
Lời thề giữ nước (20/06/2014)
Kẻ trộm Thánh (09/06/2014)
Thưởng phạt (29/03/2014)
Mùa Chay: Ăn Chay, Chia Sẻ và Cầu Nguyện (11/03/2014)
Năm Giáp Ngọ Nói Chuyện Ngựa Trong Kinh Thánh (23/01/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log