Suy tư - Chia sẻ

Vị vua đã cúi xuống phục vụ nhân loại

Cập nhật lúc 09:42 25/11/2015
Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua nhằm tuyên xưng Chúa Kitô là chủ thời gian là Đấng điều khiển và dẫn dắt lịch sử nhân loại tới ngày hoàn tất.
 Thật vậy, Đức Giêsu Kitô là Vua của toàn cõi địa cầu, thế nhưng Ngài vẫn là một vị Vua của lòng yêu thương và phục vụ một cách khiêm tốn: Ngài đã cúi xuống để nâng con người lên được làm con Thiên Chúa, Ngài cúi xuống để cứu độ con người khỏi mọi tội lỗi để bước vào sự sống vĩnh cửu. Để thể hiện sự chiến thắng sự dữ, Đức Giêsu Kitô đã Phục sinh là con người đầu tiên tiêu diệt quyền lực của sự dữ và âm phủ, để vĩnh viễn bước vào thế giới mới, thế giới của sự sống lại. Qua biến cố Phục sinh, Chúa Giêsu Kitô đã trở thành mẫu mực cho một thế giới đang được tái tạo và kể từ đó toàn thể lịch sử nhân loại đang diễn ra theo chiều hướng tiến về ngày cánh chung, điểm hẹn của Đức Kitô, Đấng là Alpha và Ômêga, là sự khởi nguyên và tận cùng của lịch sử. Trong ngày đó, “muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Đn 7, 14), còn chính Ngài thì phục quyền Thiên Chúa Cha để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15, 28).
Đức Giêsu Kitô có phải là vị Vua theo quan niệm trần gian hay không? Sau những lần làm phép lạ, Đức Giêsu được dân chúng xem Ngài như là vị vua của quyền lực tối cao. Thế nhưng, Đức Giêsu không phải là vị thủ lãnh của một đảng phái đối lập với một đảng phái khác; cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc đời công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Mêsia hoặc là vua theo quan niệm và ý muốn của dân chúng vì quan niệm của họ luôn pha trộn quá nhiều yếu tố nhân loại, nhiều hy vọng trần tục và mầu sắc chính trị. Sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế La Mã hay như bất kỳ vị vua trần gian nào. Sứ mệnh của Ngài thuộc lãnh vực khác. Chính vì thế mà ta thấy nhiều lần Đức Giêsu đã từ chối và lẫn tránh khi dân chúng tôn phong Ngài làm Vua (x. Ga 6, 15). Nhưng cũng có lần Đức Giêsu biểu dương trước công chúng khi Ngài hiên ngang bước vào thành Giêrusalem. Ngài xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với những sấm ngôn của Dacaria (x. Mt 21, 5; Dcr 9, 9). Ngài để cho dân chúng tung hô như là Vua của dân sự tại dinh Philatô. Đề tài xét xử chính là Vương quyền của Đức Giêsu Kitô. Khi Philatô hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Đức Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (Ga 18, 37; Mc 15, 2).
Đức Giêsu là Vua của vũ trụ, là Vua trên các vua, nhưng Ngài là Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế, Chúa Kitô đã lên ngôi bằng con đường của Thập giá và tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là Vương quốc của Satan, của hận thù, của chia rẽ và tội lỗi.
Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là đồ trang sức tạm bợ chóng qua của trần gian. Vương quyền của Đức Giêsu không theo nghĩa vật chất như thế. Chính Ngài đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh trần gian vì “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mt 20, 25). Đức Kitô không phải là một thủ lãnh để áp chế, để lộng quyền. Trái lại, “cai trị” theo Đức Kitô có nghĩa là: lột sạch hết mọi tự kỷ, mọi hào nhoáng, mọi kiêu căng về quyền lực (x. Tv 28), cai trị chỉ có nghĩa là “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26). Đức Kitô phục vụ chúng ta cách khiên tốn, thận trọng, kín đáo và đến huỷ mình (x. Mt 20, 28). Sự huỷ mình đi xa đến chỗ đồng hoá với kẻ bé mọn nhất, bị khinh khi nhất. Như Đức Kitô đã khiêm tốn khi chọn cho mình chỗ cuối: “Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối” (Lc 14, 10).
Vậy thực tại vương quyền của Ngài là gì? Chẳng còn gì ngoài tình yêu thương. Yêu thương là quyền lực duy nhất của Thiên Chúa, yêu thương đã đưa Chúa Kitô đến chỗ hạ mình phục vụ, đến hạ mình chịu chết. Đó là lôgic của tình yêu. Tình yêu toàn năng muốn chúng ta sống và đẩy lui thù địch khi nó ngăn cản chúng ta sống. Nơi Đức Kitô, tình yêu ngự trị như là sức mạnh thấu nhập mọi sự, mọi lương tâm và mọi quan hệ.
Đức Giêsu đạt được vương quyền như thế nào? Đức Giêsu chỉ đạt được vinh quang vương giả khi Ngài Phục sinh và trở lại vẻ vang trong ngày tận thế. Ngài đã làm Vua cách huyền nhiệm ngay từ khi bắt đầu cuộc sống trần gian (x. Lc 1, 33; Mt 2, 2), nhưng vì “không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36) và không một chế độ quân chủ nào được Ngài uỷ quyền để có thể làm biểu tượng cho vương quyền của Ngài không cạnh tranh với vương quyền của các vua chúa trần gian. Các Kitô hữu trở thành thần dân của Ngài khi “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1, 13). Vào ngày quang lâm ngày mà Đức Kitô trở lại, Vương quyền của Ngài và triều đại của Thiên Chúa sẽ được biểu dương (x. Kh 11, 15; 2Tm 4, 1). Bấy giờ Ngài mới tỏ hiện mình là Vua các Vua, Chúa các Chúa (x. Kh 17, 14). Vị Vua của lòng khiêm hạ, yêu thương và phục vụ. Vì chúng ta là những tội nhân nên “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1, 5). Bởi thế, chúng ta luôn được sống trong tình yêu thương trao hiến trọn vẹn của Chúa Giêsu Kitô Vua.
Tu sĩ Phêrô thập tự ân
 
Thông tin khác:
Năm lòng Chúa thương xót và sứ điệp về thời gian (23/11/2015)
Lời Ngài còn mãi (19/11/2015)
Một ơn của Thiên Chúa giàu lòng thương xót (16/11/2015)
Lòng quảng đại (12/11/2015)
Những bông hoa tôi dâng lên Chúa (10/11/2015)
Sống mầu nhiệm nên thánh (05/11/2015)
Niềm vui của một người mục tử (02/11/2015)
Đổi thay một phận người (30/10/2015)
Hạt lúa tin mừng (28/10/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log