Suy tư - Chia sẻ

Niềm vui của một người mục tử

Cập nhật lúc 14:27 02/11/2015
Ở lại trong tình yêu Chúa được tôi cảm nghiệm như một lựa chọn cao quý, bởi vì tình yêu Chúa là nguồn sự sống đem lại hạnh phúc thực. Hơn nữa, tôi nhận ra đó là một nguồn vui thiêng liêng không sao tả nổi.

1.
Đã từ rất lâu, tôi coi việc gắn bó với Đức Giêsu Kitô là một cách sống căn bản nhất. Gắn bó ấy thể hiện Lời Chúa dạy: “Thầy là thân cây nho. Các con là cành nho” (Ga 15, 5).
Gắn bó như vậy phải là thường xuyên, sống động và tha thiết. Bời vì gắn bó đó chính là một sự ở lại trong tình yêu. “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9).
Ở lại trong tình yêu Chúa được tôi cảm nghiệm như một lựa chọn cao quý, bởi vì tình yêu Chúa là nguồn sự sống đem lại hạnh phúc thực. Hơn nữa, tôi nhận ra đó là một nguồn vui thiêng liêng không sao tả nổi.
2.
Nguồn vui thiêng liêng ấy cho tôi có khả năng được nhìn rất xa.
Tôi thấy đời tôi không kết thúc ở cái chết, mà ở một cõi sau có sự sống đời đời do Thiên Chúa là tình yêu ngự trị.
Tôi thấy hướng đi đời tôi là sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong ơn gọi mà Chúa trao cho tôi, đó là ơn gọi người mục tử của Chúa. Đấng sai tôi đi là chính Chúa. Tôi thấy, đàng sau cuộc đời phức tạp, vẫn có Chúa là Đấng thiêng liêng hiện diện. Người ở bên tôi. Tôi nhận ra Người.
Tôi thấy người mục tử hôm nay sẽ bị lôi cuốn vào nhiều lo toan. Nhưng có Chúa ở bên, tôi nhìn thấy những việc mà Chúa sai tôi phải lo một cách đặc biệt. Nhìn thấy mà thôi chưa đủ, tôi còn cảm thấy vui một cách lạ thường, khi thực hiện những việc đó.
Ở đây tôi xin phép kể ra vắn tắt mấy việc như thể.
3.
Việc thứ nhất là rao giảng ý định của Thiên Chúa.
Xưa, khi gặp các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô, thánh Tông đồ Phaolô đã nói về việc Ngài đã làm hết sức, để rao giảng thánh ý Chúa cho họ. Rao giảng bằng dạy dỗ, khuyến khích, khuyến cáo, trình bày, ở nơi công cộng cũng như ở tư gia. Làm các việc đó với lòng khiêm nhường, nhiều khi với nước mắt và phải trải qua nhiều thử thách (x. Cv 20, 19-27).
Thánh Phaolô không hề nói về những thành công, Ngài chỉ nói về những gì Ngài phải làm. Ngài như được niềm vui vì được rao giảng ý Chúa.
Tôi có kinh nghiệm là khi dùng mọi cách để rao giảng ý định của Chúa, thì tôi cảm được là mình làm một việc quan trọng của người mục tử của Chúa. Do đó mà tôi vui.
4.
Khi nói “dùng mọi cách”, để rao giảng ý định của Chúa, tôi có ý nói về mọi cách mang giá trị thực, kể cả nước mắt, những đớn đau và những lựa chọn khiêm nhường.
5.
Thí dụ hiện giờ tôi rao giảng ý định của Chúa là các môn đệ Chúa hãy sống nghèo và lo cho người nghèo, theo huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô, thì tôi phải rao giảng điều đó bằng những chứng nhân thực sự, họ đã và đang sống nghèo và lo cho người nghèo.
Đặc biệt là chính mình tôi phải cố gắng thực sự sống như thế. Đó là một niềm vui thiêng liêng tôi cảm được, khi tôi dùng cách đó để rao giảng về ý định của Chúa tại Việt Nam hôm nay.
6.
Việc thứ hai là vâng phục ý Chúa mà giới thiệu tình yêu Chúa theo như Chúa muốn.
Tôi rất nhớ Lời Chúa Giêsu phán xưa: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 39). Thú thực là Lời Chúa trên đây chỉ trở thành niềm vui thực sự cho tôi, khi tôi chấp nhận yêu thương như Chúa, nghĩa là phải chấp nhận Thánh giá.
7.
Thánh giá, mà tôi nhìn vào như dấu chỉ của tình yêu, không phải là Thánh giá trừu tượng, mà là tất cả những gì xảy ra cho tôi có tính cách thử thách.
Như những mệt mỏi nhọc nhằn khi làm việc, như những bệnh tật, như những đối xử vô tâm, nhẫn tâm, ác tâm của người khác dành cho tôi, rồi cũng có những mất mát, những giới hạn tôi gặp hằng ngày. Đó là những Thánh giá. Nếu khi gặp những thánh giá đó, tôi biết mở lòng ra cho tình yêu, tôi hy sinh vì mến Chúa, và để cứu các linh hồn, thì đó chính là một niềm vui thiêng liêng.
8.
Trong nhiều trường hợp, cả những khi tôi được nhiều của cải, địa vị quyền lực, tôi cũng nên coi đó là những thử thách. Nếu tôi biết hi sinh từ bỏ như vác một Thánh giá biểu lộ tình yêu, thì đó chính là một niềm vui thiêng liêng.
9.
Những niềm vui thiêng liêng đó có sức giới thiệu về tình yêu đối với Chúa và đối với người khác. Tạ ơn Chúa, vì Chúa đã cho tôi nếm được phần nào niềm vui như thế.
10.
Việc thứ ba là ca ngợi lòng thương xót Chúa bằng những kinh nghiệm của bản thân mình.
Đối với tôi, lòng thương xót Chúa được biểu lộ rõ nét nhất khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Lưỡi lửa là hình ảnh tình yêu, sự an ủi, sự chia sẻ, sự gắn kết. Lưỡi lửa hiện xuống trên các Tông đồ một cách bất ngờ.
11.
Tôi đã và đang nhận thấy Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mục tử của tôi.
12.
Tôi nhận ra Chúa Thánh Thần đến với tôi, nhất là khi tôi được ơn tha thứ từ phép Giải tội và từ Hội thánh. Chúa Thánh Thần an ủi tôi, thêm sức mạnh cho tôi. Tôi tự hào vì được là người con trở về. Tôi tự thú những lỗi lầm. Tôi tự hối và tự răn đe mình.
13.
Tôi nhận ra ơn Chúa Thánh Thần, khi tôi cảm thấy vui, chính những lúc các môn đệ Chúa bị thử thách, bị bắt bớ vì danh Chúa, bất cứ do đâu, mà các ngài vẫn kiên trì phó thác.
14.
Tôi nhận ra ơn Chúa Thánh Thần, khi tôi cảm thấy vui, chính lúc Hội Thánh Việt Nam hôm nay đang có nhiều đốm lửa đức tin âm thầm cháy lên trong những vùng sâu vùng xa, cũng như đang có nhiều đốm lửa bác ái đang làm sáng lên bầu không khí hòa giải ngay tại những nơi khó khăn nhất.
15.
Tôi nhận ra ơn Chúa Thánh Thần, khi tôi cảm thấy rất vui, chính lúc Hội Thánh Việt Nam hôm nay đang có nhiều người con trở về với Cha nhân lành. Và được Cha nhân lành đón nhận như Phúc Âm thánh Luca đã tả (x. Lc 15, 11-30). Ham muốn đổi mới chính mình, cố gắng sửa mình, để nên giống Chúa Giêsu, đó là dấu chỉ chắc chắn của người biết đón nhận lòng thương xót Chúa.
16.
Với những gì chia sẻ trên đây, tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, xin tận tình cảm ơn Hội Thánh và Quê Hương.
Long Xuyên, ngày 21/10/2015
ĐGM GB. Bùi Tuần
 
Thông tin khác:
Đổi thay một phận người (30/10/2015)
Hạt lúa tin mừng (28/10/2015)
Chọn Chúa làm gia nghiệp đời con (26/10/2015)
Mặt nổi và mặt chìm (23/10/2015)
Khôn ngoan tìm đến điều thiện hảo (19/10/2015)
Tuổi già ham học (16/10/2015)
Chuỗi hạt mân côi nguồn sức mạnh cho cuộc lữ hành trần thế (15/10/2015)
Cần thấy trước (14/10/2015)
Con đường của Chúa (12/10/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log