Suy tư - Chia sẻ

Giáo dục con cái sống Mùa Chay

Cập nhật lúc 10:01 04/03/2015
Việc “cho đi” trong Mùa Chay không chỉ giúp ích về mặt vật chất mà còn sưởi ấm tâm hồn về mặt tình cảm. Chúng ta sẽ tích lũy từ những điều nhỏ nhặt ấy và Thiên Chúa sẽ ghi nhận tấm lòng của chúng ta trong phúc lành Phục sinh và trong kho tàng được sắp sẵn trên nước trời.
Theo Kinh Thánh, 40 ngày chay là thời gian Chúa Giêsu cầu nguyện ở trong hoang địa, nhịn ăn và chịu ma quỷ cám dỗ về ba phương diện của cuộc sống xác thịt, mong muốn quyền lực và lòng kiêu ngạo. Nhưng Chúa Giêsu đã vượt qua được bằng việc phản hồi lại ma quỷ với nhiều câu trong Kinh Thánh Cựu Ước. Giống như bốn mươi ngày Đại Hồng Thủy và khế ước đầu tiên giữa Thiên Chúa và ông Noê; giống như Moise là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật và việc Êlia ăn chay trước khi gặp Thiên Chúa tại núi Horep. Bốn mươi ngày trong Mùa Chay được đánh dấu bởi việc ăn kiêng, làm từ thiện và hạn chế những thú vui. Ba việc thực hành truyền thống được coi trọng là (cầu nguyện công lý về phía Thiên Chúa); (nhịn ăn công lý về phía bản thân); và (bố thí công lý về phía tha nhân).
Trong Mùa Chay, chúng ta sống cùng với Đức Kitô 40 ngày trong sa mạc, để trải qua cuộc hành trình 40 năm của dân Ixraen chịu đói chịu khát, đôi khi nản chí và nhiều lần ngã quỵ để tiến về miền đất hứa. Mùa Chay được xem như thời gian người ta cắt giảm đi nguồn thức ăn của con người trần thế mà dọn mình để chuẩn bị cho Đại lễ Phục sinh và để tìm được trong đó niềm vui của tâm hồn được thanh luyện khi hiệp thông với Chúa Kitô Đấng đã hoàn tất cuộc Vượt qua bằng cái chết và sự Phục sinh của mình. Dân Chúa ăn chay, kiêng thịt và làm nhiều điều thiện đức bằng nhiều cách khác nhau, cũng chính là lúc con người ta chiêm nghiệm Lời Chúa, củng cố đức tin để tiến mạnh trên con đường thánh thiện theo chân Chúa Kitô, là lúc nhìn lại chính bản thân mình để sám hối.
Người ta thường nhắc nhở nhau ăn chay hãm mình để sám hối và đổi mới tâm hồn và có cách nhìn mới về cuộc đời, về con người, về bản thân và tha nhân, mà Chúa Giêsu chính là một tấm gương dạy cho chúng ta biết nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người. Để sống theo tinh thần ấy, bản thân mỗi người chúng ta cũng nên là một tấm gương để có thể giáo dục con cái “Sống Mùa Chay”. Đó là một việc hết sức quan trọng đối với các Kitô hữu, vì thế các bậc cha mẹ cần ý thức trong việc giáo dục con cái hướng đến “Chân - Thiện - Mỹ”, định hướng, hướng dẫn và giải thích cho các con hiểu về Mùa Chay và ý nghĩa của nó.
Mùa Chay giúp chúng ta thực hiện giáo huấn của Chúa “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn bằng những Lời phát xuất từ miệng Thiên Chúa”. Khi giải thích việc “cho đi” trong Mùa Chay để con cháu biết thực hiện mỗi hành động bằng sự chân thành, bằng tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa. Mỗi việc thiện tâm chúng ta làm như chia sẻ đồ ăn, áo quần cho một bạn khó khăn không chỉ giúp ích về mặt vật chất mà còn sưởi ấm tâm hồn về mặt tình cảm, chúng ta sẽ tích lũy từ những điều nhỏ nhặt ấy và Thiên Chúa sẽ ghi nhận tấm lòng của chúng ta trong phúc lành Phục sinh và trong kho tàng được sắp sẵn trên nước trời.
Kinh Thánh và giáo lý chính là nguồn vốn cho con cho đến lúc trưởng thành. Đó chính là nhiệm vụ của chúng ta, địa vị trong xã hội của chúng ta cao hay thấp, gia cảnh chúng ta giàu hay nghèo đó cũng chỉ là của cải thế gian… Nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta dạy con cháu cầu nguyện liên lỉ và rước lễ thiêng liêng bất kể lúc nào. Để có thể rước lễ chúng ta cũng nên giúp con hiểu rằng cần dọn mình sám hối mà thành tâm xưng tội không chỉ với trẻ em mà kể cả người lớn, chính là việc sám hối tốt nhất trong Mùa Chay, khi chúng ta đứng trước tòa giải tội chân thành xin lỗi Chúa là Cha nhân lành vì Ngài đã hy sinh chịu chết trên Thập giá để chúng ta được tha thứ và được cứu độ là lúc chúng ta giao hòa với Chúa.
Chúng ta cũng nên dạy con trẻ biết chia sẻ những thứ mình có với những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì việc bố thí cũng tốt như sám hối tội lỗi, giúp đỡ người khác cũng là làm nhẹ đi gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng nên đưa con trẻ đến thăm viếng, an ủi, giúp đỡ những bệnh nhân, hay mua đồ ăn cho người khó khăn và cùng nhau nấu nướng, cùng hưởng thụ bữa ăn ân tình với họ. Trẻ em có thể dùng tiền tiêu vặt của mình để chia sẻ với các bạn kém may mắn hơn mình, dùng tiền đấy mua sách vở hoặc quần áo cho bạn.
Bác ái là yêu thương, hãy kết hợp việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay sẽ tạo ra một truyền thống, một nền tảng cho mỗi người chúng ta nói chung và cho con cháu chúng ta nói riêng. Hãy dạy cho con trẻ biết rằng, Chúa Giêsu là Đấng tốt lành, người hoàn toàn vô tội nhưng người đã ăn chay 40 đêm ngày để tạo dựng một tấm gương tốt và vô cùng vững bền trong lòng chúng ta. Cha mẹ hãy giúp con cái ăn chay theo từng độ tuổi thích hợp, ăn chay đi kèm với kiêng thịt, hạn chế tính nóng giận, thay vào đó là hai từ “xin vâng” như Mẹ Maria đã dạy, những lời nói đẹp lòng Chúa, đẹp lòng cha mẹ. Khi còn bé biết hy sinh từ những điều nhỏ nhặt và lớn lên tích đức, có ích cho đời, cho xã hội, sống đẹp lòng là con Thiên Chúa. Hãy sống đúng với tinh thần của Mùa Chay.
Maria Đỗ Thị Hoa
Thông tin khác:
Tín thác theo Chúa (28/02/2015)
Hành trình hoán cải (20/02/2015)
Nước trời là nơi tình yêu hiện diện (14/02/2015)
Tình yêu chữa lành mọi căn bệnh (06/02/2015)
Hãy lắng nghe lời Chúa (30/01/2015)
Can đảm theo Chúa (23/01/2015)
Vai trò của người tin vào Chúa (16/01/2015)
Những người Công giáo ly dị và tái hôn một năm được xưng tội rước lễ một lần? (16/01/2015)
Được Làm Con Cái Của Cha Nhờ Phép Rửa (09/01/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log