Suy tư - Chia sẻ

Vai trò của người tin vào Chúa

Cập nhật lúc 16:30 16/01/2015
Lời Chúa hôm nay, nhất là câu hỏi mà chính Ngài đã hỏi các môn đệ, cũng chính là câu hỏi mà chính Ngài đang chất vấn người tín hữu, là những người đặt niềm tin vào Chúa, để rồi tự mọi người phải trả lời bởi chính đức tin của mình
Trình thuật về các môn đệ đầu tiên cũng được thánh Máccô trình bày trong Tin Mừng của ngài, thế nhưng cách thức diễn tả việc tìm kiếm của các môn đệ đầu tiên chỉ dừng lại ở mức độ đạt tới tri thức của niềm tin của họ vào Đức Giêsu một cách e dè, nhút nhát sau một thời gian dài. Gioan xem ra nói ngược lại, các môn đệ trong Tin Mừng Gioan xem ra đã biết mọi sự về Đức Giêsu, thậm chí cả thiên tính của Ngài. Gioan Tẩy giả là một vị ngôn sứ lớn và được mọi người kính nể, tác giả thứ tư muốn chuyển sự chú ý vào Đức Giêsu, Đấng sẽ được nhìn nhận là Đấng Mêsia nên khi nghe Gioan Tẩy giả tuyên bố: Đây là Chiên Thiên Chúa họ liền từ bỏ thầy mình để đi theo Đấng mà họ mong đợi, dẫu biết rằng việc tìm kiếm lúc đầu của các ông chỉ dừng lại ở việc tìm gì, tức là tìm mục đích cho cá nhân, nên Đức Giêsu hỏi: “Các anh tìm gì thế?” (bài Tin Mừng).
Lời Chúa hôm nay, nhất là câu hỏi mà chính Ngài đã hỏi các môn đệ, cũng chính là câu hỏi mà chính Ngài đang chất vấn người tín hữu, là những người đặt niềm tin vào Chúa, để rồi tự mọi người phải trả lời bởi chính đức tin của mình.
TIN LÀ TÌM GẶP CHÚA
Đức tin là hành trình tìm kiếm và gặp gỡ. Đức tin không chỉ dừng lại ở mức độ tìm kiếm vì tìm kiếm có khi chúng ta không bao giờ gặp điều ta muốn tìm. Hành trình đức tin là hành trình TÌM với mong ước GẶP, và Thiên Chúa luôn bảo đảm cho GẶP đối với những ai tìm kiếm với mong muốn được gặp. Vì thế, câu hỏi “các anh tìm gì thế” là câu hỏi dành cho những người tìm kiếm một điều gì đó. Tìm để GẶP là mục đích nhắm tới AI đó chứ không phải nhắm tới điều gì hay cái gì. Vì thế, các môn đệ đầu tiên đến với Đức Giêsu cũng mang tâm tưởng này. Họ bước theo thánh Gioan Tẩy giả cũng muốn tìm thấy được điều gì đó và khi Đức Giêsu được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa thì họ lại chuyển hướng cũng mong người này đáp ứng điều mình mong muốn.
Cuộc sống con người hôm nay cũng vậy, dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, con người thường ĐI TÌM GÌ hơn là TÌM AI. Vì khi TÌM GÌ họ sẽ thỏa mãn điều họ thiếu thốn về vật chất, và một khi có ý niệm THIÊN CHÚA ĐÃ CHẾT thì việc TÌM AI (Thiên Chúa) xem ra hiếm gặp. Vì vậy, người tin vào Chúa là người TÌM AI hầu mong được gặp, và Đấng mong được gặp chính là ĐỨC KITÔ. Vậy tìm gặp bằng cách nào?
CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI TÌM GẶP CHÚA
Việc tìm gặp Thiên Chúa không như việc tìm đến với một ai đó mà mình mến mộ, vì chúng ta biết người đó sống ở đâu để chúng ta tới đó tìm gặp miễn là chúng ta đi đúng chỉ dẫn. Còn việc tìm gặp Thiên Chúa không như thế, việc tìm gặp Thiên Chúa trước hết cần phải biết LẮNG NGHE. Lắng nghe chính là phương tiện để chúng ta nhận ra Ngài và gặp được Ngài. Bài đọc một diễn tả rõ về điều này.
Thiên Chúa đã gọi Samuen ba lần và cả ba lần ông đều nghe. Samuen ở cùng với thầy Êli, một người đã già nhưng ông không nghe được tiếng Chúa gọi Samuen. Có một chi tiết khá thú vị, Samuen là một cậu bé nên thường ngủ rất say, vì thế để nghe được tiếng gọi thông thường thì phải gọi lớn tiếng, trái lại nếu Thiên Chúa gọi như người ta vẫn thường gọi thì thầy Êli đã nghe được. Từ đây cho ta thấy sự huyền nhiệm của tiếng gọi nơi Thiên Chúa, một tiếng gọi từ trong đáy lòng, tiếng gọi không như người trần. Thiên Chúa không xuất hiện nơi động đất, trong khói lửa nhưng trong làn gió nhẹ (xc. 1V 19,11-12). Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải là một Thiên Chúa gần gũi và nhẹ nhàng, vì vậy muốn nghe tiếng Chúa cần phải có một tâm hồn nhạy cảm, thanh tịnh.
Làm sao để có một tâm hồn thanh tịnh, nhạy cảm để lắng nghe lời Chúa gọi? bài đọc 2 cho ta câu trả lời. Chỉ có những người biết kết hợp với Chúa thì lắng nghe tiếng Người gọi. Thánh Phaolô khẳng định: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người”, việc kết hợp không chỉ giúp chúng ta nhận ra tiếng Chúa mà còn được nên một với Người. Một khi đã thân ai đó thì ta hiểu rõ về người đó, hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu người đó, hiểu được niềm vui nỗi buồn dù người đó không nói ra. Nên một với Chúa ta sẽ dễ dàng nghe tiếng Chúa trong sự nhẹ nhàng, cô tịch. Đây là hồng ân của việc TÌM KIẾM trong tinh thần giữ các giới răn của Chúa Kitô và kết quả là được GẶP Người qua việc được nêu một với Người. Một khi đã lắng nghe, đã kết hợp với Chúa thì phải…
GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC
Sứ mạng của Giáo hội là giới thiệu Chúa cho người khác, nói đúng hơn là giới thiệu Chúa qua các giới răn đã được Chúa Kitô truyền lại cho các Tông đồ. Việc Thiên Chúa cho gặp khi tìm kiếm Ngài không chỉ kết hợp nên một với Chúa mà còn biết chia sẻ kinh nghiệm kết hợp đó cho những người muốn tìm gặp. Thánh Gioan trong bài Tin Mừng đã giới thiệu Đức Giêsu cho chính môn đệ của mình. Đấng mà các môn đệ muốn tìm gặp Đấng ấy phải là Mêsia, Đấng giải thoát Ixraen. Bên cạnh đó thánh Andre sau khi đã chứng kiến Đức Giêsu có “dáng dấp” của Đấng Mêsia đã không ngần ngại giới thiệu cho em mình.
Noi gương thánh Gioan và Andre, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi giới thiệu Chúa Kitô cho người khác bắt đầu từ những người thân tín của mình. Là chi thể của Giáo hội nên mỗi tín hữu được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Kitô: “Các con đừng đi về phía dân ngoại và đừng vào thành của người Samari. Tốt hơn các con hãy đến với các con chiên lạc của Ixraen” (Mt 10,5-6). Thánh Phaolô còn xác quyết rằng việc rao giảng Tin Mừng là sứ vụ bắt buộc đối với những ai tin Đức Giêsu là Chúa: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Vì thế đối tượng của niềm tin của người Kitô hữu chính là Thiên Chúa. Người Kitô hữu luôn được mời gọi tìm gặp Thiên Chúa vì Ngài là đích điểm của cuộc đời mỗi người. Việc tìm gặp Thiên Chúa cần phải có tâm hồn thanh tịnh để lắng nghe tiếng Chúa gọi và để lắng nghe tiếng Chúa gọi cần phải giữ các giới răn của Đức Giêsu, nhờ đó mà mỗi người sẽ được nên một với Thiên Chúa.
JB Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Những người Công giáo ly dị và tái hôn một năm được xưng tội rước lễ một lần? (16/01/2015)
Được Làm Con Cái Của Cha Nhờ Phép Rửa (09/01/2015)
Biến đổi nhờ gặp gỡ Đức Ki tô (02/01/2015)
Thánh Gia- mẫu gương cho mỗi gia đình (27/12/2014)
Một vài suy tư khi mừng lễ Giáng sinh (24/12/2014)
Từ cảm nghĩ đến Lời Chúa dịp Noen (21/12/2014)
Mùa Vọng với hai hy vọng (09/12/2014)
Sửa lối cho thẳng để Chúa đi (05/12/2014)
Tỉnh thức để gặp gỡ Chúa (27/11/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log