Suy tư - Chia sẻ

Thứ Tư Lễ Tro: Hãy sám hối và trở về cùng Thiên Chúa.

Cập nhật lúc 13:37 04/03/2014
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo được chia thành năm Mùa, mỗi mùa diễn tả những ý nghĩa khác nhau của cử hành Phụng Vụ. Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II đã cho biết: “Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu dùng cuộc sống của mình hầu diễn tả và biểu lộ cho những người khác thấy Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính” (PV, 2).
Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu của mùa Chay. Mùa Chay được khai mạc bằng thánh lễ với nghi thức Xức Tro trong ngày thứ Tư. Theo Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Đây là thời gian Giáo hội dành để mời gọi mọi người hãy sám hối và canh tân tâm hồn chuẩn bị cho lễ Phục sinh. Lời Chúa phán thật mạnh mẽ và sâu sắc cho con người: Sấm ngôn của Đức Chúa: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu”.
Mùa Chay được khai mạc cách long trọng trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Trong Thánh lễ này, mọi người cùng hiệp ý với nhau để tham dự nghi thức sám hối và xức tro. Cử chỉ xức tro mang nhiều ý nghĩa. Qua nghi thức này, Giáo hội nêu cao tinh thần ăn năn, sám hối và đền tội trong Mùa Chay. Tro nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người. Con người được dựng nên từ cát bụi. Tro được xức lên trán để khắc ghi vào tâm trí thực tại cát bụi của mỗi chúng ta.
Tro tượng trưng cho sự thống hối ăn năn và cho đời sống khiêm nhường của con người. Tro cũng nhắc nhớ cho con người về cái chết, chính là hậu quả nặng nề nhất của tội lỗi mình. Trong những lúc buồn khổ như tang chế, nghe tin buồn, khi cầu nguyện và khi đền tội, người Do thái xưa làm ba việc: xé áo đang mặc trên người, mặc áo xô và xức tro lên đầu.
Nghi thức lễ xức tro là phần tồn tại của một nghi lễ đền tội công khai, đã giữ trong Giáo Hội từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XVI. Nghi thức rắc tro trên đầu đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi, nhưng ban đầu chỉ dành cho những người sám hối chung giữa cộng đoàn Phụng Vụ. Sau khi nghe những người có tội nhìn nhận và thú nhận cách công khai các tội lỗi của mình, vị chủ tế cho họ ra về, họ không dự thánh lễ thêm nữa. Sự đau khổ của hối nhân là bị loại ra khỏi cộng đoàn trong thời gian sám hối, không được tham dự vào các cử hành Thánh Thể. Trước đó, người ta mặc cho hối nhân chiếc áo diễn tả việc đền tội, sau đó xức tro lên đầu, cuối cùng chính vị Giám mục dẫn họ ra khỏi nhà thờ và thầy Phó tế sẽ đóng cửa lại. Phải đến Thứ Năm tuần Thánh họ lãnh nhận ơn xá giải và mới có thể tiếp tục được tham dự vào sinh hoạt cũng như các cử hành Phụng vụ của Cộng đoàn Dân Chúa.
Từ thời Trung cổ, việc đền tội diễn ra cách kín đáo hơn. Mọi tín hữu lại đón nhận áo đền tội và chịu xức tro trước khi bước vào mùa chay. Từ thế kỷ thứ VIII, ngày Thứ Tư Lễ Tro, trước khi cử hành Thánh Lễ, vị chủ tế sẽ làm phép và xức tro trên trán của các tín hữu tham dự, hoặc vào “chỗ cắt tóc trên đầu” của các tư tế. Mọi người lãnh nhận nghi thức này, được xức tro lên đầu cách long trọng để như một dấu chỉ tỏ lòng sám hối.
Truyền thống xức tro trong nghi thức Sám hối của ngày khởi đầu Mùa Chay Thánh bắt đầu phổ biến và chính thức được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ vào thế kỷ thứ 11.
Tro được xức là tro của những cành lá đã được sử dụng trong Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước. Khi xức tro, vị chủ tế sẽ nói với từng người: “Hãy sám và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), hoặc “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về cát bụi” (x.St 3,19).
 
Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 50,3-4)
 
Lời Thánh vịnh sám hối mà vua Đavit cầu khẩn cùng Đức Chúa đã diễn tả thật sâu sắc và ý nghĩa tâm tình của mỗi chúng ta trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh năm nay. Một lần nữa Thiên Chúa lại nói với mỗi người chúng ta từ tận sâu thẳm linh hồn: “Hãy trở về với Ta. Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”. Mỗi khi bước vào mùa Chay, người tín hữu được mời gọi hãy nhìn nhận chính con người tội lỗi của mình để sống tâm tình sám hối, canh tân và thực sự trở về cùng Thiên Chúa.
 
Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng trong đời sống của người tín hữu là sự chuẩn bị tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giúp cho tín hữu thực hiện sự phục sinh tâm linh của chính mình. Từ thế kỷ thứ 10, việc xức tro trên đầu đã được phổ biến trong Giáo Hội. Trong nghi thức xức tro, vị chủ sự đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”. Việc xức tro mang nhiều ý nghĩa, đó là một nhắc nhớ thân phận mỏng dòn của con người là tro bụi và sẽ trở về bụi tro, đồng thời cũng là cử chỉ tỏ lòng sám hối ăn năn, quyết tâm hoán cải cuộc đời để trở về với Thiên Chúa.
 
Thiên Chúa đang mong chờ nơi mỗi người chúng ta một tâm tình thống hối ăn năn, một trái tim nhạy bén để nhận ra những yếu đuối, tội lỗi của mình để từ đó có một sự quyết tâm để cải hóa, đổi mới con người và cuộc đời của mình: “Bấy giờ, các ngươi sẽ nhớ lại lối sống xấu xa và hành vi bất hảo của các ngươi. Các ngươi sẽ kinh tởm chính bản thân mình, vì các tội lỗi và những điều ghê tởm của các ngươi” (Ez 36,31).
 
Với tình yêu thương rộng mở, Thiên Chúa không bỏ rơi con người tội lỗi bất toàn. Người trao cho con người những cách thức để đón nhận tình thương, sự tha thứ của Người. Thật vậy, Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta có một lòng thống hối chân thành, một sự đau buồn về các tội lỗi đã phạm. Người mời gọi chúng ta hãy đón nhận bí tích Giao Hòa để được ơn tha thứ và trở về sống trong tình yêu và tương giao mật thiết với Người. Mỗi người được kêu mời hãy hoán cải cuộc đời mình, hãy mở hồn mình ra và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và nguồn sức mạnh của Người. Đây chính là cách tốt nhất và quan trọng nhất giúp chúng ta có một khởi đầu mới và hoàn thiện hơn trong mỗi ngày.
 
Mùa Chay là thời gian quan trọng và mang nhiều ý nghĩa để giúp cho mỗi người tín hữu tiến đến gần Chúa hơn. Như đứa con hoang đàng sống xa tình cha yêu thương, người tín hữu chúng ta trong mùa Chay Thánh này hãy trở về với Thiên Chúa là suối nguồn tình thương. Hãy đến gần Chúa. Hãy sống lại tương giao nghĩa thiết với Người. Chính Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng đây là thời điểm tuyệt vời để chúng ta trở về với Thiên Chúa: “Chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ" (2Cr 6,1-2).
 
Trong ngày thứ Tư lễ Tro hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy ăn chay. Mỗi tôn giáo đều có một hình thức, một cách ăn chay nào đó. Mỗi tôn giáo đều muốn cho tín hữu của mình sống những ngày chay thật tốt đẹp để đem lại ân phúc cho bản thân mình và tha nhân. Việc ăn chay là một dấu chỉ của tinh thần sám hối mà Chúa đòi hỏi nơi con người. Trong thời Cựu ước chúng ta có thể thấy chay tịnh là một hành vi tôn giáo nhằm mục đích bày tỏ tình yêu và sự phó mình cho Thiên Chúa. Việc chay tịnh phải gắn liền với tâm tình cầu nguyện, diễn tả lòng khiêm nhường trước mặt Chúa, hướng về Thiên Chúa trong tâm tình hoàn toàn tín thác vào Người. Một tâm hồn chay tịnh không có chỗ cho những hận thù, chia rẽ, hay ích kỷ nhưng một tâm hồn chay tịnh chỉ thể là yêu thương, quảng đại, cởi mở và nhạy cảm trước bao nỗi khổ của anh chị em đồng loại. Ngày hôm nay và trong suốt mùa Chay này là một lời mời gọi chúng ta hãy sống trong tâm tình sám hối và bắt đầu hành trình trở về với Thiên Chúa và đến với tha nhân.
 
Mùa Chay đã khởi đầu, mỗi người chúng ta hãy coi đây là thời điểm ân phúc để thay đổi và hy vọng. Hãy sám hối tin vào Tin Mừng là sứ điệp Thiên Chúa mời gọi nhân loại thực hiện để lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa. Một chút tro bụi xức lên đầu trong ngày Thứ Tư khởi đầu mùa Chay hôm nay để nhắc nhở chúng ta mỗi ngày luôn ý thức thân phận bé nhỏ của mình mà cảm nhận lòng thương xót của Chúa, mở lòng nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Hãy bước ra từ chính thân phận con người yếu đuối bất toàn của mình để trở về cùng Thiên Chúa và đón nhận tình yêu Cứu Độ của Người.
 
Lạy Chúa, xin thương xót và đón nhận tâm hồn sám hối khiêm cung của chúng con. Amen.
Thiên Ân
Thông tin khác:
Đức Thánh Cha nói về phụ nữ (04/03/2014)
Chúa nhật VIII mùa thường niên: Tình thương cứu độ của Thiên Chúa (01/03/2014)
Thư gửi các gia đình của Đức Thánh Cha (27/02/2014)
Nỗi lo (27/02/2014)
Chúa nhật VII mùa thường niên A: Hãy yêu thương mọi người (22/02/2014)
Về bài viết “Xã 94% là người Công giáo thực hiện tốt Kế hoạch hóa gia đình” (19/02/2014)
Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô (19/02/2014)
Như hạc hoài hương. (17/02/2014)
Chúa Nhật VI, thường niên A (15/02/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log